Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:46 GMT+7

Sản xuất bền vững

Canh tác hữu cơ: Giải pháp xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt

19/07/2023

Canh tác hữu cơ là việc hạn chế hoặc loại bỏ phần lớn phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng trong nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch.
Mô hình canh tác hữu cơ hiệu quả
Việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khiến đất đai bạc mà, sâu bệnh tiến hoá để thích ứng, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe con người. Do đó, xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ. Xu hướng này cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm và chú trọng.
Trên thực tế, những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ  và đem lại được những thành tựu khả quan về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất... tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 
Tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá - địa phương phát triển canh tác nhiều cây trồng chủ lực như bưởi, cam, quýt... với tổng diện tích trên 360 ha, nông dân địa phương cũng đã và đang đang chọn hướng sản xuất sạch để tạo thương hiệu bền vững cho nông sản của mình.
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (Thanh Hoá) được trồng theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn (Ảnh: Báo Thanh Hoá)
Tại đây, nhiều nông dân lựa chọn cách sử dụng các loại phân hữu cơ hoàn toàn hoặc chế phẩm sinh học để khắc phục tình trạng sâu bệnh của cây trồng. Do đó, cây trồng phát phát triển khoẻ mạnh, chất lượng quả cũng ngon hơn, đặc biệt là tiết giảm được đáng kể chi phí các loại phân, thuốc hóa học so với trước đây.
Là một hộ nông dân tiên phong trong phong trào canh tác hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân) đã tự ủ phân bón và sử dụng các men vi sinh để tạo ra những chế phẩm diệt sâu bệnh. Ông chia sẻ bí quyết để làm nông nghiệp sạch là phải kiên nhẫn học hỏi, nghiên cứu và quan sát trong suốt quá trình canh tác để tự rút kinh nghiệm thực tế, từ đó sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng nhất. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 250 triệu đồng.
Do yêu cầu về sản phẩm hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu nên các hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, phế phẩm bã cà phê, vỏ sắn, phân chuồng ủ hoai mục và phân vi sinh để bón cho cây. Sâu bệnh chủ yếu được dùng thuốc sinh học để phòng trừ nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người làm vườn. Các hộ nông dân cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng như môi trường xung quanh, thực hiện việc thu gom và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Hiện nay, phần lớn vùng trồng cây ăn quả của huyện Thọ Xuân đã được nông dân tự áp dụng theo hướng hữu cơ. Các vườn cây khi bước chân vào không có mùi thuốc, hóa chất, nhiều chủ vườn còn tự tin hái trái trên cây ăn tại chỗ. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, khoa học, xanh, bền vững... những năm gần đây, các sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cam đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. 
Hướng đi lâu dài cho nông nghiệp hữu cơ
Việc canh tác theo hướng hữu cơ không những giúp cây trồng có tuổi thọ lâu dài hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đáng kể trong việc giảm ô nhiễm môi trường, mà quan trọng hơn cả là giúp người nông dân tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất ảnh hưởng tới sức khoẻ. 
Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù được đầu tư triển khai, song, hiệu quả không như mong đợi. Nguyên nhân là do lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ chiếm vị trí rất nhỏ nên chi phí cho sản xuất, vận chuyển, chế biến và bán ra thị trường sẽ có giá rất cao.
Hơn nữa, quá trình ủ phân cần nhiều sức lao động - phải thu gom các chất thải đồng ruộng và các loại cây làm phân xanh, cắt nhỏ rồi ủ chung với phân chuồng và chất lên men. Thời gian ủ lâu, phức tạp và kỳ công hơn so với sử dụng phân hóa học. Điều này khiến cho nhiều hộ dân dù thấy được tính hiệu quả nhưng còn ngần ngại áp dụng, do vậy, khó lòng duy trì mô hình sản xuất hữu cơ lâu dài được.
Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện để giúp cho cán bộ, nông dân hiểu rõ hơn và nắm chắc về lợi ích của sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đói, có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích người nông dân tham gia thực hiện sản xuất theo phương pháp này. 
Đồng thời, cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ về tận cơ sở để cùng địa phương có hướng dẫn cụ thể trong quy trình thực hiện sản xuất hữu cơ và giúp người dân nắm chắc quy trình cơ bản và triển khai đồng bộ thực hiện hiệu quả. 
Minh Khuê