Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn - định hướng phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

10:14 - 02/02/2023
TÓM TẮT:
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Bài viết phân tích các chính sách Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.
Từ khóa: kinh tế, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
(Ảnh minh họa: vnexpress.net/)
1. Đặt vấn đề
Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo về môi trường, đến năm 2030, nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.
Vì vậy, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên, mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, với tăng trưởng xanh đang được quan tâm, đề cập nhiều hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
2. Kinh tế tuần hoàn - định hướng phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam hiện nay
2.1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách hiểu khác nhau, tuy nhiên định nghĩa được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).
2.2. Phát triển kinh tế bền vững
Phát triển kinh tế bền vững (PTKTBV) được hiểu là sự tăng tiến nhanh, an toàn và có chất lượng về mọi mặt của nền kinh tế (như quy mô sản lượng, sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế,…). Với quá trình phát triển này đòi hỏi các chủ thể trong hệ thống kinh tế có cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bình đẳng. Các chính sách không chỉ tập trung mang lại lợi ích cho một số ít, mà phải tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; đồng thời, bảo đảm không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.
Muốn phát triển nền kinh tế bền vững, cần phải: (1) Nền kinh tế có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Những nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Trong điều kiện hiện nay, các nước phát triển cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể được xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế; (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế và chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững; (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Để đánh giá tăng trưởng bền vững về kinh tế, cần dựa trên các yếu tố sau:
+ Đạt được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cao và ổn định;
+ Năng suất lao động xã hội cao, dựa trên nguồn lực lao động có thể lực và năng lực làm việc tốt;
+ Giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP thấp;
+ Chỉ số giá tiêu dùng trong tiêu chuẩn cho phép luôn ổn định;
+ Cán cân vãng lai thặng dư ổn định.
2.3. Thực trạng phát triển kinh tế của Việt Nam
Đánh giá theo các tiêu chí và định hướng mục tiêu PTKTBV giai đoạn 2016 - 2020 tại Việt Nam, có nhiều chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như kiểm soát ngày càng tốt hơn về nợ công… cho thấy Việt Nam cơ bản đã đạt được tăng trưởng bền vững về kinh tế.
Năm 2019, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ, Chính phủ Việt Nam cũng nhận định, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới. Trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập cao nhất, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và nhiều chỉ số của Việt Nam tăng mạnh, như chỉ số đổi mới sáng tạo.
Việt Nam tiếp tục khẳng định “phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam”. Ưu tiên phát triển nhanh nhằm tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực và phải phát triển bền vững.
Về chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTKTBV, cùng với việc đạt được những thành tựu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, song vẫn tồn tại những bất cập cho quá trình phát triển kinh tế, nhất là tạo ra những quan ngại cho PTKTBV do chịu tác động bởi nhiều yếu tố mà điển hình như năng suất, năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo và các chính sách, quy định về đầu tư, kinh doanh.
Sau đây là một số đánh giá về những bất cập trong phát triển kinh tế ở Việt Nam và vấn đề đặt ra cho PTKTBV.
+ Chất lượng tăng trưởng: Chưa có sự thống nhất giữa quy mô phát triển với chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế còn dựa nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài và thiếu tính bền vững. Thực chất về tổng sản phẩm trong nước (GDP) chưa tính đúng, tính đủ những chi phí đi kèm trong quá trình sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng. Nền kinh tế xanh (GDP xanh) chưa được sử dụng trong đo lường phát triển.
Phần lớn các doanh nghiệp đóng thuế thu nhập trong nhiều năm không đủ bù đắp để xử lý vấn đề môi trường đã gây ra trong 1 năm. Việt Nam thiệt hại hàng năm do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, Trung Quốc là 10%. Nếu ô nhiễm môi trường theo đà tăng tiến như hiện nay, Việt Nam có thể vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm1. Việt Nam còn nhiều dự án đầu tư triển khai cầm chừng trong nhiều năm chưa đi vào hoạt động.
Trong toàn nền kinh tế, còn có nhiều dự án lớn khác đã và đang góp phần làm tăng GDP mà không thúc đẩy quá trình phát triển. Về nguyên lý, cứ có hoạt động chi tiền cho đầu tư, dù dự án hoàn thành hay chưa đều tính vào GDP hằng năm, vì thế đã làm cho quy mô GDP liên tục tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Chính vì vậy, tạo ra khoảng cách giữa con số tăng trưởng với sự phát triển thực tế ngày càng lớn.
+ Về quản lý nợ công: Đây là vấn đề phổ biến ở các quốc gia do chi tiêu chính phủ vượt quá nguồn thu từ thuế. Chỉ tiêu đánh giá PTKTBV thì chỉ số nợ công là yếu tố quan trọng. Nợ công cần được chính phủ kiểm soát, bảo đảm ngưỡng an toàn để ổn định, phát triển kinh tế.
Về các chỉ số đánh giá mức độ an toàn nợ công bao gồm:
- Chỉ số nợ nước ngoài/GDP mặc dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn (với mức tin cậy là 95%) thì khi nợ nước ngoài tăng thêm đồng nghĩa mức tăng trưởng GDP sẽ bị sụt giảm. Cần phải chú ý là ngưỡng nợ công so với GDP nhằm đánh giá đúng sức chịu đựng của một nền kinh tế. Một khi Nhà nước vay nợ để đầu tư phát triển, có nghĩa là, khu vực đầu tư nước ngoài sẽ có đóng góp vào quy mô GDP hằng năm, do đó, nên thận trọng trong việc đưa ra ngưỡng an toàn và phải có sự kết hợp chặt chẽ với kiểm soát chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP.
- Chỉ số nợ Chính phủ/GDP trong các hạng mục đầu tư công, đầu tư từ ngân sách nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến nợ Chính phủ/GDP luôn khá cao (bắt đầu từ năm 2015, tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP luôn trên 50% GDP). Mặc dù được đánh giá là thấp hơn “ngưỡng” nợ Chính phủ/GDP quy định, nhưng vẫn phản ánh quy mô nợ Chính phủ quá lớn và tốc độ tăng nhanh.
- Về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu ngân sách: tại Việt Nam, các áp lực trả nợ gia tăng nhanh từ sau năm 2012. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định thì ngưỡng an toàn của chỉ tiêu này không được tuân thủ từ sau năm 2013 (luôn vượt ngưỡng 25%). Khi một quốc gia bị thâm hụt ngân sách sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng hàng hóa, dịch vụ và xuất khẩu ròng tài sản, vì vậy, lượng tài sản trong nước được người nước ngoài nắm giữ sẽ ngày càng nhiều hơn2. Ngân sách bị thâm hụt sẽ tác động đến khu vực tư nhân, khiến giảm lượng cung vốn ở khu vực tư nhân, tạo nguy cơ tăng lãi suất nội tệ. Một khi lãi suất nội tệ tăng sẽ thu hút dòng vốn quốc tế chảy vào, dẫn tới áp lực tăng giá nội tệ. Khi đồng nội tệ lên giá lại gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu trong nước.
- Cán cân thương mại của Việt Nam những năm gần đây chủ yếu đo lường các hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI với trọng số chiếm xấp xỉ 75%. Do vậy, các hoạt động chi tiêu công của Chính phủ tác động không rõ ràng tới tình trạng của cán cân thương mại trong nước do các doanh nghiệp FDI hoạt động có tính chất độc lập tương đối. Đây chính là lý do giải thích tại sao thâm hụt ngân sách mang tính chất thường trực tại Việt Nam, nhưng cán cân vãng lai vẫn có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực.
+ Về năng suất lao động xã hội: Trong những năm gần đây, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, mặc dù tăng trưởng năng suất lao động đã phục hồi và tăng nhanh, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với nhiều nước ASEAN do quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nhưng còn chậm. Vì thế, để tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động là thách thức lớn, nhưng là cần thiết để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, vừa là cơ hội để các nước phát triển kinh tế, nhưng cũng có thể đưa đến nguy cơ làm cho một quốc gia dễ “bị bỏ lại xa hơn” các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần phải quan tâm đến việc cải thiện năng suất lao động3.
+ Về quản lý và sử dụng tài nguyên: Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Môi trường bị ô nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Tình trạng thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc, xem xét các yếu tố, tiêu chí về môi trường. Triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu4.
Công tác quản lý, sử dụng đất cũng còn nhiều yếu kém, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Về chính sách nhà đầu tư chiến lược vẫn còn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, làm cho việc xác định giá quyền sử dụng đất không được tính đúng, tính đủ. Sự ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược, làm cho quyền sử dụng đất không được định giá theo thị trường, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Các tập đoàn kinh tế lớn không chỉ hưởng lợi chủ yếu do cơ chế phân bổ nguồn lực bất bình đẳng, mà còn chỉ tập trung vào khai thác, kinh doanh bất động sản, không phát triển bằng sản xuất - kinh doanh. Nguyên lý phát triển ngân sách bền vững là ngân sách dựa vào doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, không phải khai thác tài nguyên để bán.
+ Về quản lý đầu tư: Việc cần làm của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung, trong đó có đầu tư của ngân sách nhà nước. Tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công vẫn phức tạp chúng ta cần phải khắc phục. Việc phân bổ vốn đầu tư chưa thực hiện đúng các quy định, như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn còn dàn trải, thời gian phân bổ kéo dài so với quy định.
Nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn chưa được xử lý triệt để. Nhiều dự án dở dang hoặc thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gây lãng phí và thất thoát nguồn vốn. Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công tồn tại nhiều hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định pháp luật.
Quản trị doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với thông lệ quốc tế, tạo ra những bất cập trong điều hành quản lý và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
+ Về chính sách thị trường: Nhà nước đã có những quy định về mở rộng, phát triển thị trường, nhưng thị trường đầu ra cho các sản phẩm sản xuất trong nước vẫn không ổn định. Tình trạng được mùa mất giá, diễn ra nhiều năm liên tục. Chính sách thị trường còn yếu kém, còn bị lệ thuộc nhiều vào một số thị trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước, như vấn đề nông sản và sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thiếu các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Sản phẩm sản xuất ra có tính cạnh tranh thấp, khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
2.4. Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhanh và bền vững
Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, làm rõ những vấn đề lý thuyết kinh tế và chỉ dẫn cụ thể cho quá trình quản lý kinh tế; Sử dụng hình thức đo lường GDP thông qua tính toán đầy đủ lợi ích, chi phí, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc gia. Phát triển kinh tế phải kết hợp giữa quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Cần tập trung ưu tiên phát triển trước các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời chú ý tới vùng kém phát triển và có điều kiện khó khăn hơn, nhằm tạo ra sự phát triển cân đối.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Tiếp tục duy trì các chính sách tăng cường thu hút FDI để ngăn chặn tác động tiêu cực từ hiệu ứng “thâm hụt kép” gây ra cho nền kinh tế do cân đối ngân sách chưa có chiều hướng cải thiện.
Thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, chọn lọc các nhân tố tốt cho nền kinh tế với những nhà đầu tư, kinh doanh hiệu quả, loại bỏ những tổ chức kinh doanh yếu kém. Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công năm 2014 để tăng cường cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường, làm rõ mục tiêu và các nguyên tắc quản lý đầu tư công, phân cấp quản lý trong đầu tư công, chính sách công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đầu tư công, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trong đầu tư công… Cần phải khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ những khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương.
Thực thi chính sách phải bảo đảm công bằng trong tiếp cận các nguồn lực và phát triển, tạo động lực sản xuất - kinh doanh. Phát huy vai trò giám sát của người dân vào quản lý tài nguyên, môi trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam là thị trường còn non trẻ, với nhiều quan hệ kinh tế mới phát sinh bên cạnh những chính sách lạc hậu, bất cập, cần rà soát xóa bỏ những rào cản gia nhập thị trường, bổ sung các chính sách hỗ trợ những ngành công nghiệp non trẻ. Khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng các sản phẩm. Sử dụng chính sách thuế và các đòn bẩy kinh tế, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo.
Muốn có được nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững và một nền kinh tế có vốn đầu tư mạnh, không lệ thuộc, cần tập trung vào phát triển khu vực tư nhân, cần ưu tiên, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp tư nhân bản địa. Nên chuyển từ ưu tiên các doanh nghiệp là công ty đa quốc gia sang các doanh nghiệp nhỏ và vừa bản địa. Khu vực tư nhân phải chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng quốc gia và các doanh nghiệp này cần trở thành lực lượng đóng vai trò lớn trong quá trình sản xuất. Phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa mở rộng thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng thông tin. Những giải pháp tổng thể trên đây giải quyết những vấn đề lâu dài của cả nền kinh tế. Trước những bất cập của thực trạng phát triển của nền kinh tế hiện nay, các giải pháp chủ yếu cần tập trung vào giải quyết những vấn đề cơ bản của nền kinh tế.
Đánh giá và có chính sách cụ thể cho phát triển nguồn nhân lực xã hội. Đào tạo, nâng cao năng lực nghề nghiệp, văn hóa tổ chức, tác phong và kỷ luật lao động cho người lao động. Phải chú trọng đến phát triển thể chất và tinh thần cho người dân trong xã hội, xây dựng lại chính sách lương, thưởng và chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, tạo động lực cho con người, tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội ổn định, lâu dài.
Đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; định hướng lại đầu tư, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học - công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và tranh thủ khai thác, ứng dụng công nghệ từ các quốc gia phát triển…
Hợp tác quốc tế trong hoạch định chính sách và tạo dựng “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “kinh tế xanh”. Thiết lập các cơ chế tài chính cho phát triển rừng, biển,… có căn cứ pháp lý và điều kiện thuận lợi để Việt Nam cam kết và tham gia tích cực vào các hoạt động của các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nền sản xuất cacbon thấp, kiểm soát khí thải, bảo vệ tầng ô-zôn, đa dạng sinh học trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
3. Kết luận
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn đúng đắn để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn sẽ dẫn dắt việc thực hiện thay thế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, yếu tố then chốt nhất, quyết định là khoa học - công nghệ. Do đó, nhất thiết cần phải đổi mới sáng tạo và sử dụng kinh tế tri thức để sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích cho tất cả mọi người. Nền kinh tế Việt Nam sẽ kết nối được mọi người dân từ khâu sản xuất, tiêu dùng, đến tái chế, tái sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Bùi Thị Hoàng Lan (2020). Phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 2-12.
  2. Bùi Xuân Dũng (2020). Kinh nghiệm thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia và gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 22 (740).
  3. Ellen MacArthur Foundation (2015). Report on Circular economy. Available at: https://ellenmacarthurfoundation.org/topics/circular-economy-introduction/overview
  4. Lê Thị Phượng, Nguyễn Thị Thu Hiền (2021). Thể chế quản lý thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Quản lý Nhà nước, 5.
  5. Lý Hoàng Phúc (2020). Xu hướng của nền kinh tế tuần toàn trên thế giới và một số khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, 3 (121).
  6. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh (2019). Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 10. 
  7. OECD (2019). Business Models for the Circular Economy: Opportunities and Challenges for Policy. Available at: oecd.org/environment/business-models-for-the-circular-economy-g2g9dd62-en.htm.
  8. Trần Hồng Hà (2021). Phát triển kinh tế tuần hoàn để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Truy cập tại: https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-de-quan-ly-va-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-641799/.
  9. Trương Thị Mỹ Nhân (2019). Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 1 - 12.
  10. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020). Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. 
  11. Bùi Quan Trung, Phạm Hữu Năm (2020). Một số giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 2 - 6.
  12. Nguyễn Thế Chinh (2019). Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, 10.
  13. Thái Thị Minh Nghĩa (2021). Nghiên cứu các giải pháp kinh tế tuần hoàn - CE áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I.
  14. Rizos V., Tuokko K., Behrens A. (2017). The circular economy: A review of definitions, processes and impacts. Research Report, No 2017/8, April 2017.
  15. Zvonimira S.G., Marinela K.N., Elena R. (2020). Circular Economy Concept in the Context of Economic Development in EU Countries. Sustainability 2020, 12, 3060; doi:10.3390/su12073060.
  16. European Environment Agency (2016). Circular Economy in Europe - Developing the knowledge base. EEA Report No. 2.
  17. Ellen MacArthur Foundation and McKinsey Center for Business and Environment (2015). Growth Within: A Circular Economy Vision for a Competitive Europe. Available at: https://tinyurl.com/jec5ykg.
  18. Hai H.T., Quang N.D., Thang N.T., Nam N.H. (2020). Circular Economy in Vietnam”. Circular Economy: Global Perspective. Springer, Singapore. Available at: https://doi.org/10.1007/978-981-15-1052-6_22.
Circular economy - The sustainable economic development orientation of Vietnam
Ph.D Nguyen Huu Vuong
Van Hien University
Abstract:
More and more countries are moving towards a circular economy to both support the economic growth and ensure the environmental protection, especially when the global resources are increasingly depleted. Vietnam is also paying more attention to the circular economy. This paper analyzes the policies that Vietnam is adpoted to stimulate sustainable economic growth and minimize adverse impacts of economic activities on the environment.
Keywords: economy, circular economy, sustainable development, environmental protection.
Theo tapchicongthuong.vn/