Ngày 19/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Thêm nhà máy sản xuất nhựa tái chế tại miền Nam

11:18 - 25/01/2022
Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân (Long An) được xây dựng từ năm 2019 với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, sử dụng nguồn vốn tín dụng xanh do Ngân hàng HSBC cấp. Dự án được chia là ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2020 - 2021, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD với sản lượng 20.000 tấn/năm. Các giai đoạn sau từ 2022 - 2023 và 2023 đến 2024 sẽ giải ngân hết số vốn còn lại để nâng sản lượng lần lượt lên 60.000 tấn/năm và 100.000 tấn/năm. Giai đoạn một của dự án đã kết thúc và hệ thống đi vào hoạt động từ tháng 04/2021.
Từ đó đến nay, tính trung bình mỗi ngày Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân thu mua khoảng 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng, tương đương với việc xử lý và tái chế khoảng 20 - 22 nghìn tấn nhựa một năm. 
Bên trong Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân.
Nhà máy có diện tích trên 65.000 m2, đóng tại địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hệ thống máy móc và dây chuyền hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ EU. Theo thông tin công bố trên website, nhà máy được vận hành theo các quy chuẩn quốc tế như ISO 14001, ISO 9001, ISO 45001, FSSC 2200, GRS và OBP. 
Nguyên liệu đầu vào của nhà máy sử dụng 100% chai nhựa đã sử dụng. Nguồn cung lấy từ hơn 100 trạm thu gom vệ tinh, chủ yếu tập trung ở miền Nam. 
Hiện tại, nhà máy có hai sản phẩm chính là nhựa tái chế rPET (nhựa dẻo phù hợp làm sợi quần áo, hộp đựng...) và rHDPE (nhựa mật độ cao sử dụng làm chai nhựa, đường ống, gỗ nhựa...). Các dòng sản phẩm của nhựa tái chế Duy Tân đều đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Mỹ, EU như FDA, EFSA dành cho nhựa tiếp xúc thực phẩm, đồ dùng. 
Quy trình sản xuất nhựa tái chế rPET và rHDPE. Ảnh: Nhựa Duy Tân.
Đại diện Nhà máy cho biết lực đẩy để nhà máy triển khai dự án là vì khách hàng của Duy Tân đang sẵn sàng cho việc sử dụng nhựa tái chế. "Đây là cách để chúng tôi mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và đối tác, tạo dựng điều tốt đẹp cho cộng đồng, cùng đồng hành trong việc tăng uy tín thương hiệu và phát triển bền vững", vị này cho biết. 
Theo đúng kế hoạch, tới năm 2024, công suất Nhà máy sẽ được nâng lên gấp năm lần, tương đương xử lý 100 - 120 nghìn tấn nhựa/năm. Một con số rất có ý nghĩa trong việc giảm áp lực về rác thải nhựa ra môi trường. 
Ước tính trên toàn cầu, trung bình mỗi năm có đến 13 triệu tấn rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương. Châu Á là khu vực chịu trách nhiệm cho khoảng 80% lượng rác này. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về ô nhiễm nhựa đại dương. 
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quyết liệu hơn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng cũng cao hơn, là động lực thúc đẩy sự thay đổi của các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất xanh và bền vững hơn. 
Thanh Thanh