Ngày 17/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển khu công nghiệp sinh thái

13:54 - 15/01/2022
Việc xây dựng các mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái không chỉ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của mô hình KCN cũ mà còn mang lại hiệu quả thiết thực về thu hút đầu tư, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy vậy, để phát triển được mô hình KCN này, trước tiên cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp lý.
Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp vừa được tổ chức ngày 13/1 theo hình thức trực tuyến. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai KCN sinh thái Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ kế hoạch và Đầu tư (MPI).
Chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đang là xu hướng tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Đình Hưng – điều phối viên dự án thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng: Việt Nam có 369 KCN được thành lập, với tổng diện tích 114 nghìn ha. Trong đó, 284 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 85 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 70,2%; 85 KCN đang xây dựng cơ bản với diện tích là 29 nghìn ha. Trong số những KCN đã đi vào hoạt động có 90% KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn 10% chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng nước thải của doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường vẫn phải được sử lý và đảm bảo chất lượng. Cùng với các KCN, Việt Nam cũng có 26 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu được thành lập với tổng diện tích 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất, mặt nước gần 853 nghìn ha.
Theo ông Võ Đình Hưng ,các KCN, KKT thời gian qua đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Samsung, Canon… và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Hòa Phát góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, vấn đề đang hiện hữu đối với các KCN, KKT hiện nay theo ông Võ Đình Hưng đó là, sự phát triển thiếu đồng bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN, KKT cũng tạo ra những thách thức đối với cộng đồng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Các KCN, KKT cũng thiếu sự liên kết với nhau, đồng thời thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp tại các KCN, KKT gây lãng phí nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên chưa được tận dụng hiệu quả. Theo đó, việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái đang là đòi hỏi tất yếu tại Việt Nam.
Một trong những lợi ích của KCN sinh thái là tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp
Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021, Chính phủ đã yêu cầu các KCN, KKT phát triển theo hướng xanh, khuyến khích phát triển KCN sinh thái sau này, thông qua việc “xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về KCN sinh thái, tăng áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các KCN, KKT, xây dựng triển khai chương trình thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh”.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT. Theo đó, sẽ bổ sung những thông tin mới, tạo thuận lợi hơn cho việc xây dựng và phát triển các KCN sinh thái.
Phát biểu tại hội thảo, ông Alessandro Flammini – Điều phối viên dự án của UNIDO – cho rằng: Không chỉ mang lại hiệu quả về thu hút đầu tư, việc hình thành các KCN sinh thái còn có tác động lớn đến vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường tại các KCN. Đồng thời với đó, cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN sinh thái cũng giúp tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm được chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa trong nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường – Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai thông tin, xây dựng KCN sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Đồng Nai với nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy cao nên tạo ra thuận lợi, tiềm năng cho việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, đây cũng là định hướng phát triển KCN của địa phương trong thời gian tới. Tuy vậy, để có thể phát triển mô hình KCN sinh thái hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khuyến nghị, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp lý theo hướng đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành, thì nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp về chuyên môn trong quá trình xây dựng, chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.
Lợi ích của các KCN sinh thái là tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả. Đặc biệt, nếu được tích hợp các tiện ích như bệnh viện, giao thông công cộng thì sẽ thúc đẩy phát triển bền vững tại các địa phương và tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong điều hành.
Theo: Báo Công Thương