Ngày 05/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Vinamit Làm chủ công nghệ sấy lạnh, tái định nghĩa việc bảo quản sản phẩm nông sản

15:26 - 31/10/2021

Chỉ trong hai năm, Vinamit đã đầu tư hơn 100 tỷ để hoàn thiện, làm chủ công nghệ sấy lạnh và xây dựng cơ sở dữ liệu phù hợp cho vận hành thương mại công nghệ. Mục tiêu là hỗ trợ hình thành hệ sinh thái công nghệ, dịch vụ cho các doanh nghiệp, startup muốn đầu tư phát triển vào lĩnh vực thực phẩm sạch, thực phẩm dinh dưỡng.

Sấy thực phẩm là một trong những công nghệ nền tảng giúp bảo quản, chế biến thực phẩm hiệu quả. Bảo quản thực phẩm hiệu quả giúp giảm thất thoát trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn; tăng giá trị hàng hoá trên từng đơn vị sản phẩm. 

Một trong những phương pháp sấy rất phổ biến hiện nay là sấy thăng hoa cũng đã ra đời từ cách đây hơn 70 năm. Tuy nhiên, các phương pháp sấy phổ biến vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc sấy ít nhiều làm mất đi giá trị dinh dưỡng, thẩm mỹ của sản phẩm, đặc biệt là nông sản tươi. Bên cạnh đó, phương pháp sấy thông thường chỉ phù hợp với vật thể rắn. Các loại sản phẩm lỏng gần như vẫn là “giới hạn” của phương pháp bảo quản này. 

Thách thức này không ngăn cản được doanh nhân đam mê khoa học, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit. Theo triết lý của doanh nhân này, sấy sao để có thể giữ được “sự sống”, dược tính và tất cả những vitamin, vi lượng trong sản phẩm mới là đích đến. Ông tự đặt ra mục tiêu nghiên cứu công nghệ có thể sấy nước trái cây, nước dinh dưỡng đảm bảo tối đa chất lượng của sản phẩm ban đầu. 

Máy sấy lạnh tại xưởng sản xuất của Vinamit. Ảnh: Vinamit. 

Nói thì dễ làm không hề dễ. Mặc dù thị trường trong nước và thế giới có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, nhưng tìm được đúng công nghệ có “điểm đông” phù hợp cho từng loại sản phẩm là cả một hành trình gian nan. Như ông Viên chia sẻ “để các sản phẩm như nông sản, dược liệu sau khi chế biến vẫn giữ được các dược chất thì nhiệt độ sấy phải đảm bảo ở khoảng dưới 40 độ C. Trong khi đó các thiết bị sấy thăng hoa hiện nay thường chỉ cung cấp mức nhiệt 60-80 độ C”.

Trong những năm qua, ông cùng các kỹ sư của Vinamit đã miệt mài tìm kiếm các công nghệ, giải pháp phù hợp. Trong quá trình này, trung tâm R&D của doanh nghiệp bắt tay cùng các nhà khoa học Đài Loan, một cường quốc công nghiệp thực phẩm chế biến, tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hướng đi đúng đắn. 

Mấu chốt của công nghệ sấy lạnh, hay sấy đông khô, là tìm được “điểm đông” phù hợp cho mỗi sản phẩm cần sấy và tập hợp thành bộ cơ sở dữ liệu. Từ đó, kết hợp với các công nghệ, thiết bị phù hợp cho vận hành thương mại. 

Để lập nên một bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn và có độ chính sách cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, các công nghệ tự động hóa và IoT đã được ứng dụng. Quá trình này tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực. Khi đã có bộ dữ liệu cần thiết, công việc tiếp theo là của các kỹ sư lập trình và chế biến. Được biết, để hoàn thiện các công nghệ liên quan, doanh nghiệp đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho nghiên cứu chỉ trong vòng chưa đến hai năm. 

Ưu điểm của công nghệ sấy lạnh, theo ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, là sản phẩm sấy không cần sử dụng phụ gia, chất bảo quản đi kèm mà vẫn giữ được các chất vi lượng, dinh dưỡng và mùi vị giống đến 96-98% so với ban đầu trong thời gian tới hơn 10 năm. 

Nước mía tươi sấy lạnh, sản phẩm đi ra từ công nghệ được cấp bằng sáng chế tại Mỹ. Ảnh: Vinamit.

Hiện ông chủ của Vinamit đã có trong tay 5 bằng sáng chế độc quyền được công nhận tại Mỹ liên quan đến các kỹ thuật sấy lạnh sản phẩm nông sản. Việc đăng ký cấp bằng sáng chế tại Mỹ song song với giải pháp hữu ích tại Việt Nam là một bước đi khéo léo, giúp sản phẩm của Vinamit tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường tiềm năng và ẩm thực đa dạng này. Ngoài ra, doanh nghiệp đang chờ một số đơn sáng chế quốc tế (PCT) có chỉ định tại hàng chục quốc gia khác. 

Với công nghệ sáng tạo độc đáo này, Vinamit tự tin về khả năng cung cấp các sản phẩm nguyên bản, không phụ gia theo đúng triết lý “sản phẩm nông nghiệp vì sự sống”. Đối với ông Nguyễn Lâm Viên, thực phẩm không chỉ là đồ ăn, mà hơn cả là lối sống, nền tảng cho sức khỏe. Do đó nó cần được xem như một ngành y tế dự phòng và yêu cầu  đầu tư xứng đáng. 

Một số thiết bị và sản phẩm công nghệ của Vinamit đã được cung cấp cho thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Viên, thị trường chiến lược của doanh nghiệp này là thị trường nội địa, nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghệ, dịch vụ cho các doanh nghiệp, startup muốn đầu tư phát triển vào lĩnh vực thực phẩm sạch, thực phẩm dinh dưỡng. 

An Nhiên