Ngày 18/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết bài toán chất thải nông nghiệp

08:07 - 15/09/2021
Ứng dụng hiệu quả KHCN có thể biến nguồn chất thải nông nghiệp, ước tính khoảng 156,8 triệu tấn/năm, thành nguyên liệu đầu vào làm phân bón hữu cơ, năng lượng sinh học, thực phẩm chức năng...  
Mỗi năm nguồn ngành nông nghiệp thải khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm.
Nguồn nguyên liệu lớn đang bị bỏ ngỏ
Tại hội thảo trực tuyến “Hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thuỷ sản ở vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và đề xuất giải pháp” diễn ra vào 10/9, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thuỷ sản.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, riêng vùng ĐBSCL ước tính có 39,4 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 26,2% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước. Trong đó, 33,2 triệu tấn từ trồng trọt và 6,2 triệu tấn từ chăn nuôi…
Đối với ngành trồng trọt, phụ phẩm rơm lúa của cả nước là 42,8 triệu tấn; thân bắp 10 triệu tấn; rau quả 3,6 triệu tấn; thân cây mì 3,1 triệu tấn; vỏ trấu 8,6 triệu tấn; bã mía 3,5 triệu tấn; lõi bắp 1,4 triệu tấn; vỏ mì là 1,3 triệu tấn…
Tuy số lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL nói riêng là rất lớn nhưng việc sử dụng được đánh giá vẫn chưa hiệu quả và có sự khác nhau giữa các loại sản phẩm. Cụ thể, ngành có tỷ lệ thu gom tương hiệu quả nhất là thuỷ sản với 90%. Các ngành khác tỷ lệ thu gom phụ phẩm chỉ từ 50 đến trên 75%: trồng trọt đạt 52,2% trên tổng lượng 88,9 triệu tấn, chăn nuôi 75,1% trên tổng lượng 61,4 triệu tấn, lâm nghiệp 50,2% trên tổng lượng 5,5 triệu tấn. 
Ngoài việc tỷ lệ thu gom thấp, việc sử dụng phụ phẩm còn khá đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Ví dụ, với rơm lúa, đa phần chỉ được sử dụng làm thức ăn gia súc, chất độn chuồng, phủ luống.... Tại nông hộ, 48,5% phụ phẩm chăn nuôi được đem làm phân chuồng; 31,8% tái sử dụng làm vật liệu nuôi trùn quế, nấm, 11% làm khí sinh học còn lại thải bỏ. Tại trang trại, 26,7% rác thải nông nghiệp tái sử dụng làm khí sinh học, 73,3% làm phân hữu cơ.
Khoa học công nghệ là chìa khoá
Theo các chuyên gia, khoa học công nghệ chính là chìa khoá để giải quyết hiệu quả bài toán chất thải nông nghiệp. Cụ thể, có nhiều cách "nhìn thấy được" giúp biến nguồn chất thải này thành tiền: làm phân compost, đệm lót sinh học, sinh khối và khí sinh học (biogas và biomass), công nghệ sinh học/vi sinh... "Trong đó công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm hỗ trợ hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi kể", ông Chinh cho biết. 
"Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao, thì có thể thu về 4-5 tỉ đô la Mỹ" - Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).
Đối với ngành chế biến phụ phẩm thuỷ sản, theo số liệu từ Cục chăn nuôi hiện có giá trị khoảng 275 triệu USD. "Nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao, thì có thể thu về 4-5 tỉ USD", ông Chinh cho hay.
Dẫn chính cho nhận định này, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết có nhiều doanh nghiệp tại các khu chế biến thuỷ hải sản ĐBSCL đã phát triển nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra, hoặc tận dụng vỏ tôm, xương mực sản xuất chitosan và chitin. 
Một dẫn chứng khác, theo báo cáo của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện nay nguồn phụ phẩm xanh từ sản xuất công - nông nghiệp, như bã sắn, bã mía, rơm rạ..., đang rất sẵn và dồi dào. "Ứng dụng hiệu quả công nghệ vi sinh để xử lý nguồn phụ phẩm này thành nguồn thức  chăn nuôi bổ sung sẽ góp phần giải quyết bài toán môi trường. Đồng thời ngành chăn nuôi có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào sản phẩm ngoại nhập và nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa", báo cáo nêu rõ.    
Có thể thấy, một số công nghệ chuyển đổi phụ phẩm thành sản phẩm hoặc nguồn nguyên liệu cho các ngành khác phát triển đã sẵn sàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cần đổi mới cơ chế chính sách mới giúp tạo được động lực để KHCN được ứng dụng đại trà. Ví dụ, theo ông Chinh, cần giảm thuế thu nhập, thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, cần có những mô hình tiên phong nhằm hoàn thiện chuỗi thu gom, đóng gói, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị theo hướng bền vững.
Mạnh Cường