Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 03:30 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hà Nội hướng đến giảm ô nhiễm làng nghề nhờ sản xuất sạch hơn

23/07/2020

Xử lý và kiểm soát ô nhiễm ngay từ nguồn phát thải là mục tiêu mà ngành Công Thương Hà Nội đặt ra đối với các làng nghề hiện nay của thủ đô.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Cụ thể, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Giai đoạn 2020-2030, dành 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Hiện làng nghề đang đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của thủ đô đồng thời mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho một lực lượng lao động không nhỏ tại các vùng nông thôn của Hà Nội.
Ở làng nghề điêu khắc, mỹ nghệ xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã nổi tiếng trong và ngoài nước với những sản phẩm điêu khắc hoành phi, câu đối, tạc tượng từ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc. Tuy nhiên, đa phần hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp làng đã tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Tại những xưởng sản xuất, bụi gỗ bay tứ tung, phả ra môi trường xung quanh. Cùng với đó, mùi dung môi pha sơn nồng nặc, phát tán ra không khí ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Trong khi đó, ở Phú Xuyên - huyện có nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội như giày da Giẽ Thượng, tết võng dù, gia công đồ thủ công túi xách, ba lô, ví da…, nỗi lo về ô nhiễm môi trường vẫn là gánh nặng của chính quyền và người dân. Theo người dân địa phương, việc thu gom rác thải do công ty môi trường đảm nhận chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý, do đó, vẫn xảy ra tình trạng đốt rác, nhất là vào mùa cao điểm. Việc đốt dây dù, mút xốp… khiến cho môi trường sống trở nên ngột ngạt, khó thở.
Tương tự, tại một số làng nghề khác như làng nghề mộc thôn Định Quán (Tiền Phong), làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang), làng nghề thêu may thôn Gia Khánh (xã Nguyễn Trãi), huyện Thường Tín; làng nghề may mặc, khảm trai thôn Từ Thuận (xã Vân Từ), huyện Phú Xuyên…, ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu do quá trình gia công sản phẩm sử dụng sơn PU, bụi, khói, lưu huỳnh… đang khiến cuộc sống của người dân tại các làng nghề gặp không ít trở ngại.
Thực hiện chủ trương của TP. Hà Nội, chính quyền các xã có làng nghề đã chủ động đưa ra giải pháp phù hợp với đặc thù và loại hình sản xuất. Điển hình như xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), vài năm gần đây, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom bụi, vật liệu thừa để ép bán lại cho các cơ sở sản xuất thành than củi, hạn chế việc đốt rác thải gây ô nhiễm không khí.
Từ mô hình của Quảng Phú (Ứng Hòa) cho thấy, để giải quyết ô nhiễm bụi khí làng nghề nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân thì cần các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc để hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ sản xuất để có các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm ngay từ đầu nguồn phát thải, hướng đến sản xuất sạch hơn, tiết kiệm và tận dụng được nguồn thải trong quá trình sản xuất để phục vụ cho các hoạt động kinh tế khác.
Song Hà