Ngày 29/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Sản xuất sạch hơn trong ngành gốm sứ: Vì sự tăng trưởng xanh

09:52 - 22/03/2020
Gốm sứ là một nghề truyền thống của địa phương. Việc thúc đẩy sản xuất sạch hơn (SXSH), đầu tư dài hạn công nghệ sạch giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững của công nghiệp gốm sứ.

Sản xuất tại Công ty Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An)
Áp dụng công nghệ giúp bảo vệ môi trường
Từ nhiều năm nay, bằng những nỗ lực không ngừng, gốm sứ Bình Dương đang dần thay đổi diện mạo và trở thành mô hình sáng về phát triển. Làng nghề truyền thống hiện nay có những bước đi vững chắc khi các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đổi mới công nghệ, đổi mới tư duy quản lý, phát triển sản xuất… Và Công ty Gốm sứ Cường Phát là một ví dụ tiêu biểu.
Những năm 90 trở về trước, sản phẩm của Cường Phát có giá trị thấp như chén, tô, dĩa... nhằm chủ yếu bán trong nước. Từ quá trình nghiên cứu, năm 1990 Cường Phát chuyển sang sản xuất các mặt hàng gốm mỹ nghệ có hàm lượng chất xám và hàm lượng công nghệ cao để xuất khẩu như bình bông, chậu bông, hình thú. Với yếu tố men màu, kiểu dáng đến chất lượng, sản phẩm của Cường Phát đã nhanh chóng chinh phục và cạnh tranh tốt ở các thị trường có yêu cầu khắt khe như Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Ý, Pháp, Úc... Với khẩu hiệu “Tôn vinh bản sắc Việt” cùng mong muốn duy trì và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua những sản phẩm gốm sứ đặc sắc, vào năm 1983, công ty được thành lập. Qua gần 34 năm thành lập, đến hôm nay, mọi hoạt động của công ty đã đi vào ổn định và đủ đầy “hành trang” sẵn sàng cho giai đoạn mới đưa “hồn” gốm Việt đi xa hơn.
Phát huy những kinh nghiệm có được từ việc nghiên cứu thị trường, sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng, men màu, theo sau công nghệ đốt, đã mạnh dạn đầu tư toàn diện để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay vốn đầu tư đã trên 85 tỷ đồng với diện tích nhà xưởng lên đến 4,5 ha. Công ty đã trang bị 11 lò con thoi, 4 lò nung liên hoàn và nhiều máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất gốm, như: Máy đùn chân không, máy in trục lăn, máy ép lọc khuôn bản, máy sàng rung, máy hút từ tính... Nhờ công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị sản xuất đều nhập ngoại nên số lượng làm ra khá lớn, hao hụt giảm đáng kể, chất lượng cũng bảo đảm nên không những chỉ cạnh tranh tốt ở thị trường ngoài nước mà còn khẳng định một thương hiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế trong lĩnh vực gốm sứ cao cấp với giá trị xuất khẩu bình quân hơn 4 triệu USD/năm.
Tại Công ty Gốm sứ Cường Phát, nhóm SXSH đánh giá được hiện trạng tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng và xác định được các phát thải của công ty, đồng thời nhận dạng và đề xuất được các giải pháp SXSH để công ty có thể áp dụng hoặc nghiên cứu áp dụng để hướng tới giảm thiểu phát thải và cải thiện quá trình sản xuất. Chương trình đánh giá nhanh SXSH năm 2019 cho Công ty Gốm sứ Cường Phát gồm các công việc như sau: Đánh giá quy trình sản xuất tại công ty; đánh giá hiện trạng tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng tại công ty; nhận dạng các giải pháp SXSH, tiết kiệm năng lượng; đề xuất kế hoạch hành động về SXSH cho thời gian tới.
Có thể nói, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong sản xuất gốm sứ của Bình Dương, giúp địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung đốt gốm sứ bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Nỗ lực tuân thủ các biện pháp xử lý môi trường
Qua đánh giá của nhóm SXSH, Công ty Gốm sứ Cường Phát đã có nhiều nỗ lực trong xử lý, thu gom chất thải. Nước thải bao gồm từ các công đoạn vệ sinh, ép đất, làm men, rửa màng in lụa và từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi được thu gom theo các tuyến đường ống dẫn vào mương hở trong khuôn viên nhà máy để dẫn về bể lắng. Tại bể này châm hóa chất trợ lắng, sau đó nước thải tiếp tục được đưa qua các bể lắng tiếp theo với quy trình lắng tương tự nhằm loại bỏ cặn lơ lửng. Tại khu vực xử lý trang bị máy hút bùn di động cho tất cả các hồ, công nhân tiến hành hút bùn từ các bể lắng bơm về bồn chứa. Sau đó nước này được đưa qua máy ép đất nhằm thu hồi lượng đất trong nước thải để tái sử dụng. Nước thải từ máy ép đất sau đó tiếp tục dẫn về hồ tiếp nhận.
Đối với rác thải sinh hoạt, chất thải sản xuất công ty đã có biện pháp thu gom, phân loại hàng ngày và chứa trong thùng có nắp đậy đặt đúng nơi quy định và thuê đơn vị có chức năng xử lý. Đối với chất thải công nghiệp, công ty có quy trình xử lý theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng.
Theo đánh giá của nhóm SXSH, công ty đã kiểm soát tốt quy trình sản xuất, thường xuyên theo dõi và kiểm tra lỗi tại các công đoạn sản xuất và có báo cáo hàng tháng lên ban lãnh đạo công ty. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường được công ty thực hiện tốt ở các công đoạn sản xuất, môi trường sản xuất sạch sẽ. Hệ thống khí thải đã được xử lý, nhà xưởng cao, thông thoáng. Nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của công nhân tại nhà máy được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại tại khu vực nhà vệ sinh của từng khu vực, sau đó được thu gom lại đấu nối với hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất thiết kế 50m3/ngày để xử lý trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận. Công ty đã thực hiện kẻ vạch, phân chia các khu vực sản xuất, có các băng rôn khẩu hiệu an toàn, tăng năng suất, các khu vực được sắp xếp theo thứ tự. Công ty luôn có đội ngũ công nhân vệ sinh thu dọn rác và chất thải rắn để đúng nơi quy định, bảo đảm nhà xưởng, văn phòng luôn được sạch sẽ. Công ty thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị sản xuất đúng lịch bảo trì bảo dưỡng. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề. Công ty luôn tuân thủ các quy định và thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy và an toàn môi trường lao động cho công nhân. Công ty luôn trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân như: Khẩu trang chống bụi, găng tay...
Nhóm đề xuất một số khu vực ngừng sản xuất nhưng hệ thống đèn và quạt đang còn sử dụng. Nếu thời gian nghỉ của các máy công cụ kéo dài công ty nên tắt máy để tiết kiệm điện năng; đào tạo công nhân trong các thao tác nhúng men, mài, cạo... để giảm thiểu tỷ lệ phế thải và các sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu để giảm tỷ lệ sản phẩm tái chế trong quá trình nung; phổ biến quy chế sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, tránh lãng phí; sử dụng máy móc thiết bị đúng theo hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện công tác vệ sinh thiết bị, bảo dưỡng thiết bị định kỳ.
Sau quá trình đánh giá, nhóm đề xuất trong thời gian tới công ty cần tổ chức thực hiện như sau: Tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức SXSH, giới thiệu bộ công cụ 5S và các kỹ thuật cải tiến khác trong sản xuất như Kaizen, Lean Production...; tiến hành đánh giá chi tiết SXSH; tiến hành lập kế hoạch nghiên cứu các giải pháp có chi phí đầu tư cao; thực hiện lần lượt các nội dung đã được xác định. Đồng thời thực hiện các giải pháp đầu tư chi phí thấp hoặc không tốn chi phí như tiến hành thành lập đội SXSH; gắn các khẩu hiệu tuyên truyền, động viên, khen thưởng khuyến khích tăng năng suất; thực hiện các giải pháp về bảo ôn đường ống, giải pháp về thay thế lần lượt các thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện.
Tiểu My