Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 03:43 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thanh Hóa: Giải pháp hướng đến tiêu dùng hiện đại

15/03/2019

Những năm gần đây, số lượng các trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mi ni, cửa hàng thực phẩm, thời trang... trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Việc phát triển các siêu thị, cửa hàng không những góp phần phát triển lĩnh vực thương mại theo hướng hiện đại, mà còn giúp người tiêu dùng dần hình thành thói quen tiêu dùng hiện đại, qua đó lựa chọn được những sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. 
Một góc Siêu thị VinMart tại TP Thanh Hóa
Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại một số siêu thị, cửa hàng cho thấy, sức mua của người dân tại các siêu thị, cửa hàng còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho thấy, sức mua tại các siêu thị của nhân dân chỉ chiếm khoảng 3 đến 5%. Vì vậy, để đẩy mạnh việc tiêu dùng của nhân dân, thời gian qua, các siêu thị, cửa hàng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, như: Làm thẻ tích điểm cho người tiêu dùng; một số hệ thống siêu thị như VinMart, Co.opmart... còn có chương trình nhân đôi điểm tích lũy đối với khách hàng trong thời gian cuối tuần, cuối tháng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng đến mua sắm, đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện các chương trình giảm giá trên từng nhóm sản phẩm hoặc đồng loạt; tri ân khách hàng theo hình thức có quà tặng kèm theo đối với khách hàng mua sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị. Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm miễn phí cho khách hàng đến tham quan, mua sắm. Việc thực hiện các giải pháp đã dần hình thành thói quen tiêu dùng hiện đại trong nhân dân.
Để hướng đến tiêu dùng hiện đại, tháng 2-2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 371/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Thực hiện Quyết định số 371 của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng cho doanh nghiệp; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác thông qua việc khai thác các cơ hội giao thương hàng ngày; đào tạo kỹ năng quản trị gian hàng trực tuyến. Hướng dẫn doanh nghiệp có định hướng và xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp; tư vấn triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng, xây dựng phần mềm chuyên dụng, ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công cụ tiện ích và nguồn nhân lực cần thiết, tạo môi trường giao dịch thuận tiện, an toàn; nâng cấp về mặt kỹ thuật, tích hợp sàn giao dịch vào các cổng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu. Đồng thời, tổng hợp thông tin của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa theo từng ngành, hàng cụ thể, các chương trình xúc tiến thương mại, cập nhật dữ liệu, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch qua mạng internet thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Tất cả những giải pháp mà ngành công thương đang thực hiện nói trên đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tiêu dùng hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị có liên quan còn thực hiện các giải pháp hướng người tiêu dùng đến xu thế tiêu dùng hiện đại là không dùng tiền mặt. Theo đó, thời gian gần đây, để đẩy mạnh việc tiêu dùng không dùng tiền mặt, một số ngân hàng thương mại hiện đang tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, bảo đảm ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán kinh doanh thương mại; tăng cường các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; nghiên cứu áp dụng, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, như: Mã phản hồi nhanh QR code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, thanh toán di động... nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bứt phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán, thúc đẩy việc tiêu dùng hiện đại.
Nguồn: Báo Thanh Hóa