Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 22/10/2024 | 17:51 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Giải pháp phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam

20/10/2018

Ngày 16/10/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam". Hội thảo có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia cao cấp trong ngành.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng, ngành giấy có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và các hoạt động liên quan đến một số ngành sản xuất quan trọng như: Sản xuất bao giấy, xuất bản in ấn, gia công vở sổ, khăn giấy và giấy vệ sinh, hoạt động lâm nghiệp,...; hoạt động thu gom tái chế cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khác.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000-2007 và 16% vào giai đoạn 2007-2017. 
Hội thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam"
Theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ngành Giấy Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và theo dự báo sự tăng trưởng này sẽ còn tiếp diễn trong khoảng 10 năm ở mức trên 10%; đặc biệt với giấy bao bì trên 15% .
Cũng theo ông Sơn, giấy tái chế giấy đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp giấy của các nước phát triển. Tái chế giấy còn là ngành công nghiệp xanh vì từ nghiên cứu thực tế đã cho thấy tái chế 1 tấn giấy tương đương với tiết kiệm được 17 cây gỗ trưởng thành, 4000kWh điện, 270 lít dầu, 26 lít nước và 3.5 m3 đất (chôn lấp), tái chế giấy tiết kiệm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới) đồng thời giảm ô nhiễm nước đến 35%...
Hiện nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý.
Tuy nhiên, nguyên liệu giấy tái chế và việc nhập khẩu nguyên liệu này còn nhiều thách thức. Ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị: “Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu của Việt Nam để đưa được ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn đề dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết”.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành giấy kiến nghị về việc cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển, nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách. Các đề xuất, kiến nghị đưa ra đều hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Về phía các doanh nghiệp giấy, môi trường vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải, giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp