Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:48 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Bạc Liêu tập trung nguồn lực phát triển năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh

08/08/2018

Bạc Liêu là 1 trong 5 tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham gia thực hiện Hợp phần 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung các nguồn lực phát triển năng lượng sạch (NLS), BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu TTX.
Phát triển các dự án NLS
Bạc Liêu có chiều dài bờ biển 56km, với 16.000 ha bãi bồi ven biển, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển NLS. Vùng ven biển Bạc Liêu có lượng gió mạnh và khá ổn định, nắng, gió quanh năm, cường độ bức xạ mặt trời bình quân hơn 5,0 kWh/m²/ngày. Do có nhiều tiềm năng để đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, Bạc Liêu đã được Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là 401MW và đến năm 2030 là hơn 1.500MW.
Hiện nay, tại Bạc Liêu, có 30 dự án điện gió, với tổng mức đầu tư 110.000 tỷ đồng, trong đó riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo đã chiếm đến 81.000 tỷ đồng. Nhà máy điện gió Bạc Liêu là nhà máy lớn nhất cả nước, được khánh thành tháng 1/2016, với tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất đạt 320 triệu kWh/ năm. Nhà máy đã đi vào vận hành và hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia. Đến nay, tỉnh đã ký quyết định phê duyệt 3 dự án đầu tư, gồm: Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (công suất 142 MW); Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (công suất giai đoạn 1 là 60 MW, dự kiến mở rộng thêm 240 MW ở giai đoạn 2); Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (công suất giai đoạn 1 là 50 MW, dự kiến mở rộng thêm 250 MW ở giai đoạn 2). Cả 3 dự án triển khai thi công trong năm 2018, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Ngoài ra, còn 5 dự án điện gió đang thực hiện nghiên cứu, khảo sát đo gió: Hòa Bình 2, Hòa Bình 3, Đông Hải 2, Đông Hải 3 và Nhà máy điện gió trên bờ tại Vĩnh Lợi, với tổng công suất là 2.000 MW.
Ngoài điện gió, Bạc Liêu còn có tiềm năng về năng lượng mặt trời (NLMT). Xuất phát từ việc một số doanh nghiệp lắp đặt hiệu quả các tấm pin thu NLMT trên mái che nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chủ động đề nghị với tỉnh hợp tác đầu tư dự án điện NLMT như: Tập đoàn GROUP SY (Hàn Quốc), với Dự án điện mặt trời tại huyện Đông Hải, có quy mô 400 ha, tổng vốn hơn 10.240 tỷ đồng (tương đương 450 triệu USD). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017 - 2019, được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50MW và giai đoạn 2 sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất nhà máy lên 300MW; Tập đoàn Kimin (Anh) cũng đã xin phép UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư dự án điện NLMT có công suất 150 MW (Giai đoạn 1: công suất 40 MW, giai đoạn 2: 110 MW)…
Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu
Để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng đi đôi với BVMT, Bạc Liêu đã kiên quyết không cấp phép cho những dự án nhiệt điện, gây phát thải cao. Cụ thể, tháng 9/2016, tỉnh đã đề xuất xin rút Dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, với tổng quy mô công suất lên đến 3.600 MW, tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình ra khỏi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch điện VII) nhằm hướng đến tìm kiếm nguồn năng lượng sạch thay thế. Theo Quy hoạch thì đến năm 2029, Bạc Liêu sẽ đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên có công suất 600MW và đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành tổ máy tiếp theo, công suất 600MW.
Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, xác định mục tiêu thực hiện TTX gắn liền với tái cấu trúc nền kinh tế, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh phát triển kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao.  
Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 8 - 10%; năm 2025, mức giảm từ 33 - 79%, với sự hỗ trợ của quốc tế và đẩy mạnh việc triển khai các dự án NLS.              
Đối với mục tiêu xanh hóa sản xuất đến năm 2020, Bạc Liêu phấn đấu 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó 100% các cơ sở sản xuất có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ BVMT và làm giàu vốn tự nhiên đạt 1,5% GDP.
Cùng với đó, thực hiện mục tiêu về tiêu dùng bền vững, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 25 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (chiếm 51,02% tổng số xã trong tỉnh); 100% làng nghề có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; 70% dân cư được cung cấp nước sạch…
Để thực hiện các mục tiêu TTX, Bạc Liêu đã xác định phát triển NLS là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giải quyết sinh kế cho người dân, nhằm hướng đến phát triển bền vững. Với mục tiêu đó, tỉnh đề ra các giải pháp:
Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại bằng cách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến; tiến hành lộ trình loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiên liệu; khuyến khích khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, ít phát thải, tăng cường sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên, khí hóa lỏng, trong đó, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, hạn chế những ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh; đẩy mạnh phát triển, áp dụng rộng rãi công nghệ cao và thực hành khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên; thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi và các công trình xử lý nước thải.
Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn, cụ thể, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn, phấn đấu đến năm 2020 có 50% cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh áp dụng sản xuất sạch hơn; tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, sử dụng và nội địa hóa công nghệ xanh....
Phát triển đô thị bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống hòa hợp với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và lối sống xanh; huy động nguồn lực thực hiện TTX; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện Chiến lược TTX; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân và nhà nước trong thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực...
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về TTX, những hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện TTX; khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân, cộng đồng phát triển mô hình nông thôn xanh, nhà ở xanh; phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.
Theo Tạp chí Môi trường