Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:23 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn: Lợi nhiều sao vẫn không mặn mà?

27/08/2014

Đây cũng nội dung của hội thảo “Sản xuất sạch hơn và những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp”, do Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17-4.

SXSH là việc áp dụng liên tục các chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Theo các chuyên gia, SXSH giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng, góp phần cải thiện môi trường làm việc, giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho rằng: “SXSH không chỉ là công cụ để DN thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể giảm chi phí của môi trường, giảm rác thải, tăng thu nhập cho DN từ việc tái sử dụng rác thải,…”.

Tuy nhiên, theo ông Trần An, Chuyên gia tư vấn SXSH, Phó Giám đốc Công ty CP tư vấn EPRO thì hầu hết các DN hiện nay chưa thực sự mặn mà với công nghệ này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường kinh doanh trong nước chưa thực sự bình đẳng. Ông An lý giải: “Các DN vẫn có thể “lách” được thuế của các khoản xả thải, khai thác được tài nguyên sẵn có như nước ngầm, nước mặt dẫn đến các chi phí cho hoạt động sản xuất rất rẻ, vì vậy họ chưa phải nghĩ đến các biện pháp hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí. Mặt khác, phần lớn các DN còn trông đợi nhiều vào hỗ trợ từ Chính phủ, số DN thực sự bỏ vốn và công sức để tham gia còn ít, chủ yếu tập trung vào các DN lớn ngoài quốc doanh hoặc các nhóm đầu tư nước ngoài”.

Về phía DN, ông Nguyễn Phúc Đức, đại diện của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho rằng, các DN tiếp cận với SXSH thường gặp phải những khó khăn như thiếu các bộ công cụ hỗ trợ, thiếu hoạt động tổ chức các lớp đào tạo để các bộ công nhân viên hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện SXSH… Quan trọng hơn, các DN sẽ phải bỏ ra một chi phí lớn để đầu tư cho các thiết bị phục vụ các quy trình thực hiện SXSH.

“Một trong những rào cản lớn nhất là thuyết phục những người đứng đầu các DN để họ đồng ý bỏ ra một khoản chi phí lớn cho những đầu tư ban đầu của SXSH”, ông Đức nhấn mạnh.

Để thúc đẩy SXSH gắn với các DN sản xuất tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định cần có một khung pháp lý để cưỡng chế các DN tham gia vào SXSH. Bên cạnh đó cần phải tạo điều kiện để các DN có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động như: mở các lớp đào tạo có các chuyên gia về kinh tế hướng dẫn để các DN có thể tiếp cận nhanh hơn với SXSH; tổ chức cho các DN giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng áp dụng các SXSH, tuyên dương các đơn vị làm tốt và hỗ trợ thêm các chính sách ưu đãi để các DN tích cực tham gia vào SXSH.

Về phía các DN nên nhìn nhận việc SXSH là một việc làm cần thiết, vì lợi ích phát triển của chính DN mình và thực sự đầu tư cho SXSH, đặc biệt là đầu tư về nhận thức và tầm nhìn cũng như các chi phí tài chính.

Thanh Trà