Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 19:35 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Nam: Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp

27/08/2014

Theo báo cáo của các TCTD trên địa bàn tỉnh, cho đến thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013. Tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7 - 9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 10 - 12%/năm. Hiện lãi suất cho vay phổ biến của các khoản vay mới đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 9 - 11%/năm, đặc biệt một số TCTD cho các doanh nghiệp vay thuộc lĩnh vực ưu tiên, có khả năng tài chính lành mạnh, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả với lãi suất 6 - 8%/năm. Điển hình như Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà vay vốn với lãi suất 6%/năm. Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Phủ Lý vay với lãi suất 7%/năm, Công ty Cổ phần và Sản xuất thương mại Hoàn Dương vay với lãi suất 7,5%/năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vay vốn dựa vào thế chấp bất động sản, thuê mua, dùng tài sản hình thành từ vốn. Giá bất động sản xuống thấp, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp làng nghề khó tiếp cận với nguồn vốn cho vay, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của doanh nghiệp mặc dù doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, có thị trường tốt, có cơ hội để mở rộng và phát triển. Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng xem xét, đánh giá phương án sản xuất kinh doanh để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay tín chấp. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có chính sách nâng hạn mức tín dụng vay vốn lưu động cho doanh nghiệp bằng tín chấp các hợp đồng để đảm bảo nguồn vốn lưu động ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam, quy định của các TCTD, định kỳ 06 tháng hoặc tối đa 12 tháng phải tiến hành kiểm tra, đánh giá lại tài sản bảo đảm theo giá thị trường. Việc kiểm tra, đánh giá lại tài sản bảo đảm được lập thành biên bản với bên bảo đảm nếu tài sản bảo đảm tăng thì các TCTD đánh giá và điều chỉnh ngay hoặc ngược lại. Tuy nhiên việc xem xét giá trị tài sản bảo đảm là yếu tố quan trọng song không phải là yếu tố quyết định để cấp tín dụng. Đối với những khách hàng có tín nhiệm, có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thì các TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc cho vay một phần có tài sản bảo đảm. Thông thường hàng năm các TCTD có hệ thống chấm điểm xếp hạng tín nhiệm riêng nhằm đánh giá và xếp loại doanh nghiệp theo các bậc khác nhau. Căn cứ vào các tiêu chí định tính, định lượng rõ ràng, minh bạch để làm cơ sở cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp. Tại Chi nhánh NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Nam thực hiện việc chấm điểm, phân loại khách hàng theo tiêu chí: Khách hàng nhóm AAA (cho vay khi khách hàng có tài sản bảo đảm từ 0 - 20%), AA (tỷ lệ tài sản bảo đảm 0 - 30%), A (tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu 50%), BBB (tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu 70%), còn lại các khách hàng khác tỷ lệ tài sản bảo đảm 100%. Hay Chi nhánh NHTM Cổ phần Công thương Hà Nam, quy định tiêu chí cho vay không có tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp phải đạt một số chỉ tiêu tài chính (lợi nhuận sau thuế, vốn chủ sở hữu), tối thiểu là 5%, báo cáo tài chính doanh nghiệp phải được kiểm toán. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có tín nhiệm, có dự án, phương án kinh doanh khả thi đã được vay vốn, không có tài sản bảo đảm. Cụ thể, đến thời điểm này các TCTD trên địa bàn cho 840 doanh nghiệp vay được hơn 5.600 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp (cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc một phần tài sản bảo đảm) là hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp được vay vốn tín chấp như: Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà được vay tín chấp với tỷ lệ 100% trên tổng hạn mức tín dụng 90 tỷ đồng, Công ty TNHH Trí Hường được vay không có tài sản bảo đảm 22/45 tỷ đồng hạn mức, Công ty TNHH Thi Sơn được vay không có tài sản bảo đảm 45/64 tỷ đồng hạn mức.

Nhiều chi nhánh NHTM hiện nay không bị khống chế về mức tăng trưởng vốn nên đã trực tiếp mời một số doanh nghiệp có uy tín vay vốn song họ chưa cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn song ngân hàng lại không dám giải ngân do không có tài sản bảo đảm, không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi hoặc phương án kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Phan Văn Dũng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Tiên cho biết: Sau khi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam tiến hành khảo sát nhu cầu cần vay vốn của doanh nghiệp, đơn vị đã làm việc trực tiếp với một số khách hàng song có những doanh nghiệp không đủ điều kiện để giải ngân tiếp. Đơn cử như Công ty TNHH Thọ Huyền (thị trấn Đồng Văn) đang nợ hơn 08 tỷ đồng, cần vay thêm 04 tỷ đồng song không có tài sản bảo đảm và doanh nghiệp này cũng chưa thuộc nhóm doanh nghiệp ưu tiên cho vay vốn không cần thế chấp nên chi nhánh không thể giải ngân. Hay Công ty TNHH Dũng Tiến (xã Hoàng Đông) đang vay 10 tỷ đồng và ngân hàng đang bảo lãnh cho 01 tỷ đồng lại có nhu cầu vay 04 - 05 tỷ đồng nữa, song không có tài sản bảo đảm nên ngân hàng cũng không giải ngân cho vay.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, trong giai đoạn này, nhiều NHTM cũng rất thận trọng khi giải ngân nhằm hạn chế tối đa nợ xấu, bảo đảm duy trì tăng trưởng tín dụng và hiệu quả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đăng ký vay vốn nhưng quá trình làm thủ tục không đáp ứng những quy định của các NHTM và nguồn vốn được vay chỉ chiếm một phần so với nguồn vốn đăng ký. Một số doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn lại chưa có nhu cầu. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam kêu gọi các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng nguồn vốn cho khách hàng vay, trong đó quan tấm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các hình thức giảm lãi suất, tăng hạn mức vốn vay, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và như vậy phía ngân hàng mới đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng./.