Cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng,
trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con) hiện chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg; cá
có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 - 24.500
đồng/kg, thậm chí có nơi rớt xuống mức giá 21.000 - 22.000 đồng/kg như
vào thời kỳ tháng 5 năm nay, khi thừa mứa cá, rớt giá thê thảm.
Ông
Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An, Q.Ô Môn (Cần Thơ), cho
biết: “Không chỉ trong tháng 7 mà từ tháng 4 đến nay, giá bán cá tra đã
giảm và biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi. Cũng do giá giảm
nên bây giờ không doanh nghiệp nào đi mua cá của người dân mà chỉ lấy
cá từ vùng nuôi riêng của mình để xuất khẩu”. Ở các vùng nuôi khác như
Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang... giá cá tra nguyên liệu dao động từ
20.500 - 21.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6. Ông Nguyễn
Minh Sáng, thương lái chuyên mua cá tra tại H.Châu Phú, An Giang cho
biết, so với mức giá đỉnh 28.500 - 29.000 đồng/kg đối với cá tra đạt
tiêu chuẩn xuất khẩu được xác lập cách đây không lâu, hiện cá tra
nguyên liệu đã giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia,
cá tra là một trong hai sản phẩm nông nghiệp được đưa vào chương trình
sản phẩm quốc gia và có nghị định riêng. Điều này khẳng định vị trí của
ngành cá tra trong phát triển kinh tế. Chính phủ muốn tái tổ chức ngành
hàng theo hướng mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, bảo vệ môi
trường và vấn đề xã hội. Theo đó cá tra sẽ được nuôi theo hướng quy
hoạch có đăng ký, có cấp mã số và trong 2 năm tới sẽ không tăng về diện
tích và sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Lê Xuân Thịnh,
Điều phối viên dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở VN do EU
tài trợ (SUPA) cũng cho biết: “Với dự án này, mục tiêu đặt ra là đến
năm 2020, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra VN sẽ bền vững
về kinh tế, môi trường và xã hội. Đến khi kết thúc dự án, ít nhất 70%
doanh nghiệp vừa và nhỏ về sản xuất và chế biến, 30% doanh nghiệp chế
biến thức ăn và các vùng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL độc lập, chủ động
thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch
hơn. Ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến cung cấp các sản phẩm bền vững
phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững như ASC hay GlobalGAP cho thị
trường EU và các thị trường khác”.
Theo
thống kê của Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7
tháng đầu năm ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598.000 tấn. Sản lượng cá
tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân
chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho
ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch. Cụ thể
sản lượng cá tra ở Vĩnh Long đạt 57.881 tấn (giảm 7%), Đồng Tháp sản
lượng 170.046 tấn (giảm 10,1%), Cần Thơ sản lượng 51.433 tấn (giảm
7,1%), Tiền Giang sản lượng 16.500 tấn (giảm 8,3%), Bến Tre sản lượng
101.200 tấn (giảm 8%). |