Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:18 GMT+7

Tin hoạt động

Phú Thọ: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp

12/08/2014

 Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2015, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng trưởng trên 15%/năm; giá trị sản xuất CNNT đạt trên 10.000 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2015 sẽ đào tạo 4.650 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 2.100 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp; nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh CNNT tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất CNNT đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông - lâm - thủy sản; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cụ thể, đến năm 2020, đào tạo khoảng 15.000 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 7.000 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ 20 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 120 cơ sở CNNT đầu tư mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư kết cấu hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải chung cho 15 cụm công nghiệp.

Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 là 108,278 tỷ đồng; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 75,08 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 26,49 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 6,708 tỷ đồng.

Những ngành nghề được hưởng chính sách gồm: công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử-tin học; gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT.

Theo đó, sẽ ưu tiên các chương trình, dự án tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; các xã nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo theo quy định của chính phủ. Ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động. Ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thuộc chương trình phát triển công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của địa phương; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.