Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:06 GMT+7

Tin hoạt động

Trung tâm Khuyến công Lào Cai: Áp dụng thành công mô hình kỹ thuật sản xuất đũa gỗ quế xuất khẩu

30/10/2015

Những năm qua, cây quế được tỉnh xác định là cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn nói riêng. Song hiện nay, đầu ra cho các sản phẩm từ cây công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, các cơ sở sản xuất chế biến trên địa bàn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của loại cây này. Thực tế đến nay đa số rừng quế đến tuổi khai thác hoặc tỉa thưa, tỉa cành và lá. Tại các địa phương mới chỉ được khai thác phần vỏ thương phẩm, sơ chế hoặc bán vỏ tươi cho các cơ sở chế biến thô, còn lại thân cây, cành, lá hầu như bỏ đi hoặc làm củi, như vậy chưa tận thu, khai thác được hết nguyên liệu  từ cây quế.

Là đơn vị trực tiếp tham gia trồng và khai thác chế biến các sản phẩm từ nông lâm nghiệp, từ năm 2005 đến nay, HTX sản xuất chế biến lâm sản Phương Thái (HTX Phương Thái), huyện Văn Bàn đã nhận thức được các hạn chế trong việc khai thác chế biến các sản phẩm từ cây quế của địa phương. Từ đó, HTX đã tìm tòi, học hỏi và quyết định đầu tư trên 2,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất đũa gỗ quế, tận dụng nguyên liệu từ thân cây quế sau khi khai thác phần vỏ thương phẩm, cung cấp sản phẩm đũa gỗ thô cho các doanh nghiệp đầu mối tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... làm bóng và đóng gói xuất khẩu theo đơn đặt hàng sang các nước Nhật Bản, Đài Loan,.... 

Thực hiện các chính sách của Nhà nước về khuyến công, Trung tâm Khuyến công, Tư vấn phát triển công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng (TTKC) Lào Cai đã lựa chọn dây chuyền công nghệ sản phẩm Đũa gỗ quế xuất khẩu của HTX Phương Thái để lập Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất đũa gỗ quế xuất khẩu” đề nghị Cục Công nghiệp Địa phương đăng ký sử dụng nguồn vốn khuyến công quốc gia năm 2015 và được Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho thực hiện Đề án là 250 triệu đồng. Mục tiêu của đề án nhằm phổ biến, tuyên truyền và nhân rộng mô hình sản xuất chế biến lâm sản theo dây chuyền công nghệ tiên tiến cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Văn Bàn và các huyện trong tỉnh thăm quan, trao đổi học tập kinh nghiệm, áp dụng để phát triển, mở rộng sản xuất. Đây là mô hình sản suất chế biến đũa gỗ xuất khẩu của HTX với công suất là 130 triệu đôi/năm, doanh thu bình quân năm khoảng 8 tỷ đồng, đóng góp thu nộp ngân sách khoảng 300 triệu/năm, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, trong đó có 30 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ, đảm bảo mức thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Trong quá trình thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến công Lào Cai đã tư vấn, giúp đỡ HTX Phương Thái đầu tư các hạng mục công trình, đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất ổn định. Được sự nhất trí của Sở Công Thương Lào Cai, ngày 13/8/215, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp với HTX Phương Thái tổ chức Hội nghị “giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất đũa gỗ quế xuất khẩu” tại xưởng sản xuất của HTX.

Đây là mô hình sản xuất chế biến gỗ theo dây chuyền công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, được các đại biểu dự hội nghị đánh giá cao về chất lượng sản phẩm cũng như dây chuyền công nghệ và đánh giá là mô hình tiêu biểu để giới thiệu đến các tổ chức kinh tế, các cơ sở sản xuất chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh áp dụng và mở rộng sản xuất... Theo đó, tư vấn, giúp đỡ HTX Phương Thái đầu tư mở rộng sản xuất, lắp đặt thêm dây chuyền công nghệ chiết suất tinh dầu tận dụng từ lá và cành cây quế, tận dụng nguyên liệu thừa từ sản xuất đũa, rác nguyên liệu sau chiết suất tinh dầu để sản xuất sản phẩm viên than nén sinh học cung cấp cho thị trường, tận dụng “triệt để” các nguồn nguyên liệu, tránh lãng phí gây ô nhiễm môi trường.

Song song với sản xuất chế biến, HTX Phương Thái luôn chú trọng tập trung đầu tư trồng rừng, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay, HTX  đang trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ trên 130 ha rừng kinh tế như keo, bồ đề, quế, mỡ,... đang chuẩn bị đưa vào khai thác.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản như HTX Phương Thái thì việc đầu tư trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu là việc làm hết sức cần thiết cho chính doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi từ nghề trồng rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương./.