Mô hình trình diễn kỹ thuật đúc sản phẩm cơ khí bằng hệ thống lò điện trung tần được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC 1) phối hợp với Công ty TNHH MTV Nam Trực, Cụm công nghiệp Đồng Côi triển khai xây dựng. Mô hình có tổng mức đầu tư trên 8,691 tỷ đồng, trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013 IPC 1 hỗ trợ 250 triệu đồng, bao gồm các hạng mục: Hỗ trợ chi phí mua sắm máy móc, thiết bị 225,8 triệu đồng; hỗ trợ tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình 16,7 triệu đồng và hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý đề án 7,5 triệu đồng.
Quy trình sản xuất của mô hình được bắt đầu từ nguyên liệu là kim loại phế phẩm, qua công đoạn phân loại, nguyên liệu được đưa vào nấu bằng hệ thống lò điện trung tần. Sau khi đúc, phôi được rỡ khuôn, kiểm tra kỹ thuật và đưa sang xưởng gia công bán thành phẩm lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm của mô hình chủ yếu là: Trục thép, bánh răng, bánh xe goòng, puly máy nổ... dùng trong chế tạo máy phục vụ cho ngành nông nghiệp, khai thác than...
Nhận định về công nghệ và triển vọng hiệu quả của mô hình, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Trực cho biết: Mô hình sử dụng công nghệ sản xuất mới, hiện đại nên sản phẩm tạo ra có hình thức và độ chính xác cao hơn từ 3-5 lần; năng suất lao động cũng cao hơn 2 lần so với công nghệ đúc thủ công nên giảm được đáng kể lượng hao hụt nguyên liệu và chi phí cho sản xuất. Kết quả nghiên cứu, đánh giá thị trường cũng cho thấy, ở giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo nhu cầu sản phẩm đầu ra của mô hình tương đối ổn định. Do đó, sau khi mô hình hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ đảm bảo kinh doanh có lãi, khả năng thu hồi vốn nhanh cho DN.
Cụ thể, chạy 100% công suất, mô hình sẽ đạt 300 tấn sản phẩm mỗi năm, cho lãi suất trung bình 1,783 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế đạt 1,337 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn sẽ khoảng 6,5 năm.
Như vậy, triển vọng về kinh tế mà mô hình trình diễn kỹ thuật đúc sản phẩm cơ khí bằng hệ thống lò điện trung tần mang lại cho đối tượng thụ hưởng có thể thấy rõ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, mô hình còn mang ý nghĩa xã hội lớn khi tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn với mức thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, mô hình còn được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu và lâu dài góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường làng ng hề. Hiện nay,do sản xuất thủ công, hầu hết các cơ sở tại làng nghề cơ
khí mạ Đồng Côi đều dùng lò than đúc sản phẩm gây ô nhiễm không khí
nặng nề, đưa nhiều chất thải ra môi trường. Việc đầu tư xây dựng hệ
thống lò đúc bằng điện trung tần thay cho lò than sẽ giúp loại bỏ gần
như hoàn toàn khí thải độc hại, không tạo ra chất thải rắn và hạn chế đáng kể những hóa chất phụ gia dùng trong quá trình đúc.
Trước những hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội, môi trường mà mô hình đem lại, tại hội nghị giới thiệu về mô hình, lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương đã yêu cầu IPC 1 và Công ty TNHH MTV Nam Trực tích cực xây dựng và đưa mô hình vào sản xuất làm điển hình để nhân rộng./.