Bình ổn đầu ra
Giá thành năng lượng đầu vào có xu hướng ngày một tăng, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sản xuất để ổn định thị trường tiêu thụ vẫn phải duy trì và bình ổn mức giá. Tại Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ, chỉ tính riêng điện năng, từ khi giá điện tăng bình quân 7,5% trung bình mỗi tháng công ty phải chi trả từ 450 đến 500 triệu đồng, tăng khoảng 50 triệu đồng chi phí đầu vào mỗi tháng. Tuy nhiên, giá thành phẩm công ty vẫn giữ ổn định ở mức 45 triệu đồng/tấn chì thỏi 99,99%.
Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) là một doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhất của tỉnh. Ông Đỗ Văn Học, Giám đốc Chi nhánh cho biết: với đặc thù là ngành công nghiệp sản xuất đá mài sử dụng năng lượng điện ở quy mô lớn, năm 2014 chi nhánh sử dụng 39,8 triệu kWh điện, tương đương với mức sử dụng điện của một huyện miền núi. Vì vậy, khi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất, tuy nhiên công ty đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng để đảm bảo giá thành đầu ra của sản phẩm không đổi.
Ông Đinh Kỳ Giang, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Qua khảo sát, đánh giá của Sở, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng để cân đối chi phí đầu vào, ổn định giá thành đầu ra. Những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn như các công ty xi măng, Công ty TNHH Bảo Long, Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ… khi mà việc thay thế các dây chuyền công nghệ chưa thể thực hiện bởi năng lực tài chính thì các doanh nghiệp đã rà soát, duy tu bảo dưỡng hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất để giảm tổn thất điện năng. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất vào ca đêm để hưởng giá điện thấp điểm.
Thực hiện kiểm toán
Năm 2015 là năm cuối cùng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013 - 2015, Lạng Sơn phấn đấu thực hiện theo mục tiêu chung của quốc gia là tiết kiệm từ 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Để thực hiện được điều đó, một vấn đề quan trọng trong thời gian tới là đẩy nhanh tiến độ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp. Ông Hoàng Văn Măng, Trưởng phòng Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Từ đầu năm 2014, theo chỉ đạo của ngành Công Thương, Phòng đã tập trung hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các biện pháp sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các hội doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, trong thời gian tới đây, phòng sẽ phối hợp cùng các chuyên gia của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Bắc Giang thực hiện kiểm toán năng lượng cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Theo báo cáo của ngành Công Thương, tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cụ thể là tiết kiệm điện năng. Trong đó, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến… Nhưng trên hết là khẩn trương thực hiện kiểm toán năng lượng cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã bố trí lại không gian nhà xưởng, mở thêm các lỗ thông gió để hạn chế dùng quạt, thay đổi một số tấm lợp nhà nhựa trắng để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng. Đồng thời, Ban chấp hành hội đã vận động một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Gạch ngói Hợp Thành, Công ty TNHH Hồng Phong… sẵn sàng thực hiện kiểm toán năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh./.