Mô hình hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong dây chuyền sản xuất đồng mỹ nghệ được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Dương thực hiện năm 2014. Tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu đồng, trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 195 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thượng Sách, thiết bị hỗ trợ là lò nấu đồng sử dụng 100% điện năng. Trước đó, lò nấu đồng theo công nghệ cũ, sử dụng than làm chất đốt. Trong quá trình nấu, nhiệt lượng, khí thải tỏa ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đầu tư công nghệ mới, lò nấu đồng đã khắc phục những nhược điểm trên. Các công việc, điều chỉnh nhiệt độ, chất phụ gia trong quá trình đốt dễ dàng và thuận lợi.
Tại đây, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư lò nấu đồng công nghệ mới, một trong 30 lò các loại của cơ sở sản xuất. Các lò đều sử dụng chất đốt than mà sử dụng 100% điện. Đây là một trong bước tiến mới, thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất của cơ sở.
Thực tế, lò nấu đồng sử dụng điện là một thiết bị trong công nghệ đúc đồng “xanh” của cơ sở sản xuất Nguyễn Thượng Sách, nghiên cứu cải tiến trên cơ sở công nghệ đúc kim loại phổ thông. Hiện, cơ sở đang sử dụng công nghệ đúc đồng trong môi trường chân không, công nghệ này được chính bản thân ông Sách nghiên cứu, cải tiến từ năm 2007.
Công nghệ đúc chân không có nhiều ưu điểm nhưng có thể tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng sản phẩm tốt. Cùng với đúc chân không, công nghệ sử dụng trong các công đoạn khác trong dây chuyền sản xuất cũng được cải tiến hiện đại. Với khuôn đúc, cơ sở sử dụng khuôn mềm silicone, loại khuôn có độ bền kéo tốt, độ bền xé cao, chịu nhiệt độ cao và sử dụng được nhiều lần..., quan trọng hơn là loại khuôn này phù hợp cho việc đúc sản phẩm nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao.
Cùng đó, cơ sở không sử dụng lò cao mà sử dụng lò hồ quang trong quá trình nấu, tiết kiệm thời gian, chi phí. Nấu luyện kim loại theo nguyên lý hòa tan, không dùng hóa chất. Đặc biệt, toàn bộ rác thải trong quá trình sản xuất được tái sinh và được dùng làm chất phối trộn đóng gạch không nung, nước thải được xử lý và quay vòng sử dụng.
Theo ông Sách, nghề đúc đồng được xếp vào ngành công nghiệp nặng, vì vậy, đổi mới thiết bị đòi hỏi đầu tư rất lớn. Bình quân hàng năm, cơ sở đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để cải tiến thiết bị hiện đại. Đặc biệt, công nghệ đúc chân không do ông cải tiến được đầu tư khoảng 7 - 8 tỷ đồng. “Công nghệ đúc đồng chân không, bước đầu thành công. Để hoàn thiện cần một quá trình cải tiến, đầu tư dài hơi. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của khuyến công không lớn, nhưng có giá trị động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất phát triển và tiếp sức chương trình khuyến công cùng đồng hành để phát triển ra một công nghệ đúc đồng “xanh” đúng nghĩa” - ông Sách nói.
Với công nghệ đúc chân không, sản phẩm trống đồng F12 của Cơ sở Đúc đồng mỹ nghệ Nguyễn Thượng Sách được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2014. Sản phẩm này được đưa vào dự kiến kế hoạch sản phẩm, tham gia bình chọn cấp quốc gia vào tháng 10/2015.