Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 11:24 GMT+7

Tin hoạt động

Long An: Thêm lực cho khuyến công

25/05/2015

Nguồn vốn lớn

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình là 156.460 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 28.000 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 10.515 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn đóng góp của các đơn vị thụ hưởng. Riêng năm 2015, tổng nguồn kinh phí thực hiện là 21.240 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020 là 135.220 triệu đồng.

Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt và bắt đầu triển khai kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương đợt 1 năm 2015. Với tổng số tiền hỗ trợ là 716,745 triệu đồng cho 11 đề án triển khai. Trong đó, khuyến công tỉnh dành 3 đề án hỗ trợ và đầu tư cho các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí (100 triệu đồng) cho Hợp tác xã Long Kim, đầu tư 2 máy dệt chiếu tự động nhằm giúp cơ sở tăng năng suất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ 100 triệu đồng cho đề án đầu tư 10 máy làm nhang tự động; hỗ trợ 55 triệu đồng cho đề án đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất gia công chạm khắc gỗ mỹ nghệ…

Có thể thấy, trong tổng số 10 nội dung khuyến công tỉnh dự kiến hỗ trợ triển khai đến năm 2020, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn là 1 trong 2 nội dung có nguồn vốn hỗ trợ lớn nhất với 10.800 triệu đồng. Điều này cho thấy, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ trong thời gian trước mắt và tỉnh đang nỗ lực phát triển nền tảng cho ngành công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển vững chắc.

Kế hoạch cụ thể

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ lớn, khuyến công Long An cũng xây dựng kế hoạch rất cụ thể. Đến năm 2020, địa phương phấn đấu tổ chức truyền nghề cho 120 lao động theo yêu cầu của các cơ sở ngành thủ công mỹ nghệ; tổ chức 12 lớp tập huấn về chính sách khuyến công và tiết kiệm năng lượng với số khoảng 480 lượt học viên; tổ chức 6 đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trình diễn kỹ thuật; nhân rộng 3 mô hình đang sản xuất có hiệu quả cao; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 42 cơ sở ứng  dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất… Với nội dung này, khuyến công tỉnh ưu tiên hỗ trợ các đề án thuộc những lĩnh vực: chế biến nông-lâm-thủy sản, chế biến thực phẩm; chế biến nguyên liệu, đặc biệt là quy mô nhỏ tại các vùng nguyên liệu phân tán để cung cấp cho các cơ sở công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp…

Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho 12 cơ sở; hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 12 cơ sở; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 2 cụm công nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp và hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp…

Để thực hiện hiệu quả chương trình, tỉnh Long An đã nỗ lực tập trung, bố trí kinh phí đáp ứng đủ và kịp thời cho nhu cầu của hoạt động khuyến công; lồng ghép nguồn vốn khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ… Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách và bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác khuyến công.

 Chương trình khuyến công tỉnh Long An đến năm 2020 hướng tới mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nhiên liệu…; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; hỗ trợ ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.