Xác định rất rõ trách nhiệm xã hội của mình, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên đã thường xuyên cải tiến kỹ thuật và áp dụng những sáng kiến trong sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất một cách hiệu quả nhất. Việc làm thường xuyên mà Công ty thực hiện đó là các giải pháp bảo trì, bảo dưỡng vào giờ cao điểm, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm áp lực sử dụng điện. Đồng thời, hệ thống đèn sợi đốt cũ không tiết kiệm điện đã được nhà máy thay mới hoàn toàn bằng hệ thống đèn compact để tiết kiệm điện.
Cùng với đó, Công ty còn thực hiện một loạt giải pháp nhằm tiết kiệm nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Cụ thể, bằng phương pháp pha vôi bột thay thế một phần đá vôi trong phối liệu thiêu kết để nâng cao năng suất và chất lượng quặng thiêu kết, tỷ lệ quặng tinh đã tăng từ 10 - 30% và tỷ lệ quặng limonit cũng tăng từ 20 - 25%. Hoặc để giảm tiêu hao than cốc, nhà máy đã cho tăng nhiệt độ gió nóng trong lò từ 7.8000C lên 9.0000C - 10.0000C. Do đó, lượng tiêu hao than cốc đã giảm 0,5%. Tại Nhà máy Luyện gang, Công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền vê viên quặng cho thiêu kết, năng suất 15 - 20 tấn/giờ, giúp tăng tỷ lệ quặng tinh lên hơn 30% trong phối liệu thiêu kết. Đồng thời, lắp đặt dây chuyền nghiền quặng công suất 50 tấn/h để nghiền quặng cỡ hạt 10 - 15 mm xuống cỡ hạt 0 - 8 mm làm nguyên liệu cho sản xuất quặng thiêu kết, vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, từ năm 2012, Công ty đã thay đổi quy trình cán bằng cách sau khi đúc, phôi được chuyển thẳng sang bộ phận cán. Như vậy, chỉ sau 3 phút, phôi đã chuyển sang đến bộ phận cán. Nhiệt độ phôi lúc vào khoảng 700 - 8000C và tiếp tục được nung lên 1.1500C. Thời gian cán do đó giảm đi rất nhiều. Chỉ bằng cách thay đổi quy trình cán phôi, Công ty đã giảm được 6 - 8 kg dầu/tấn phôi. Hiện tại, Công ty đã và đang tiến hành triển khai lắp đặt con lăn để phôi thép sau khi đúc xong sẽ theo con lăn chạy thẳng đến bộ phận cán. Sử dụng phương pháp này, nhiệt độ phôi thép có thể lên đến khoảng 1.0000C khi đến bộ phận cán, thời gian cán sẽ tiếp tục giảm xuống đáng kể. Dự kiến, quy trình này sẽ đi vào vận hành ngay trong năm 2015 và sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10 kg dầu/tấn sản phẩm.
Trong bối cảnh khi nền kinh tế còn nhiều biến động khó lường, giá năng lượng có xu hướng đi lên, nếu các doanh nghiệp không ý thức đến việc tiết kiệm chi phí thì e rằng cũng khó cầm cự nổi. Thiết nghĩ, tiết kiệm năng lượng không những là trách nhiệm mà còn là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng nâng cao sức cạnh tranh trong kinh tế hội nhập.