Công ty 75: Người công nhân say mê sáng tạo
04/02/2015
Bên cạnh đó anh có sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần vào việc tăng sản lượng mủ của mình và cả công ty.
Vượt bao gian khó, gắn bó với vùng đất mới
Anh sinh năm 1970 tại thôn Nho Quan, Ninh Bình. Năm 1995, Hoàng Ngọc Tuyến một thân, một mình vào Tây Nguyên và duyên nợ đã gắn kết anh với mảnh đất Thanh Tân, xã Ia Krêl, Đức Cơ đến bây giờ. Những năm đầu Nông trường 707 (tiền thân của Công ty 75 bây giờ vốn từ 3 nông trường gộp lại) chú trọng vào khai hoang mở rộng diện tích là chính vì cây cao su kinh doanh hãy còn rất ít, thêm vào đó đồng lương bấp bênh, thức ăn chính của công nhân thời đó là đu đủ, chuối xanh, cá khô. Bên cạnh đó công nhân còn tự trồng lúa để đảm bảo lương thực và cải thiện cuộc sống.
Buổi đầu Đức Cơ hãy còn hoang vu, cỏ ngồi lên không hề rạp, lam sơn chướng khí khiến ốm đau, mà phổ biến là sốt rét rừng triền miên nhưng được nông trường quan tâm chăm sóc chu đáo nên bớt quạnh hiu lại vững vàng với quyết tâm biến đất thành vàng trắng nuôi mình. Hoàng Ngọc Tuyến bùi ngùi chia sẻ những kỷ niệm của mình: “Mới đầu các anh ở tập thể, phòng ngủ cũng là phòng họp của đơn vị 25 người. Đi làm xa được nông trường đưa xe rơ mooc đến chở đi và chở về. Tối về các anh thường phải đun nước sôi, nấu cơm để vào cặp lồng sẵn sàng cho buổi làm hôm sau kẻo trễ xe”.
Trăn trở để ra đời các sáng kiến thiết thực
Với kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy việc cạo mủ để hai bát vừa tốn thời gian, vừa giảm năng suất lao động. Suy nghĩ làm thế nào để cải thiện tình hình đó khiến anh bao đêm trằn trọc không ngủ, để rồi đi đến quyết định táo bạo: Phải cải tiến kỹ thuật sản xuất. Tự mày mò, tự thử nghiệm với nhiều lần thất bại, nhiều lần chưa ưng ý nhưng được sự đồng tình quan tâm của ban chỉ huy đội, anh mạnh dạn và vững chí nghiên cứu tiếp.
Là công nhân lâu năm trong nghề anh thấy việc cạo mủ chảy theo thân cây không tận thu hết mủ rất lãng phí, bên cạnh đó khi đặt bát còn phải rạch đường cho mủ chảy vào bát rất bất tiện và mất thời gian, và khó thu hoạch khi có trời mưa. Từ những trăn trở trên, năm 2011, Hoàng Ngọc Tuyến có sáng kiến cải tiến kỹ thuật máng dẫn mủ miệng cạo úp Balance.
Sáng kiến của anh đã giúp cho việc thu hoạch mủ dễ dàng hơn, tận thu được lượng mủ, giảm được đáng kể thời gian lao động, qua đó tăng năng suất sản lượng mủ. Việc dùng máng dẫn mủ vào bát giúp công nhân thao tác nhanh, bởi chỉ cần gắn máng vào một lần là có thể sử dụng cho những lần sau nữa. Sáng kiến tuy đơn giản, nhưng đã mang lại hiệu quả ấn tượng. Năng suất mủ tăng lên đáng kể, thu nhập của công nhân cũng cao hơn.
Đây là phương pháp mới, chi phí ít, dễ áp dụng và có khả năng hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát mủ và dễ dàng cho thu hoạch kể cả trời mưa. Từ đó đến nay, Ban Giám đốc công ty đã áp dụng sáng kiến của anh Hoàng Ngọc Tuyến trên toàn bộ vườn cây cao su đang khai thác. Không những thế, sáng kiến của anh đã được các công ty khác trong ngành áp dụng đem lại hiệu quả. Với sáng kiến thiết thực đó, năm 2012, anh được Bộ Tư lệnh Binh đoàn tặng bằng khen.
Năm 2012, anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” nâng tổng số lần lên con số 7, ở mảng công đoàn anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Đoàn viên công đoàn tiêu biểu của năm.
Nhìn lại những thành công, những sự thay đổi, anh không khỏi vui mừng vậy là ước mơ, quyết tâm ngày nào với anh đã trở thành hiện thực. Cuộc sống của anh bây giờ đã ổn định với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Muốn đạt được hiệu quả trong công việc phải có tâm huyết và sự yêu nghề – phải luôn tâm niệm làm việc đó như chăm sóc con cái và vững lập trường để gắn bó lâu dài nếu làm được như vậy nghề sẽ không phụ lòng ai cả”.
Thu Hiền