Hà Giang: Khuyến công góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm
26/01/2015
Một trong những khó khăn đó là thiếu thiết bị cũng như kỹ thuật chế biến, sản xuất. Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, uy tín hơn, trong năm 2014, nhờ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương (KCXTCT) đã lập kế hoạch, rà soát các cơ sở sản xuất sản phẩm CNTN, các làng nghề truyền thống hỗ trợ 18 đề án cho các đơn vị, HTX mua máy móc, thiết bị, trình diễn kỹ thuật, đào tạo nghề... để nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trong năm 2014, từ nguồn Khuyến công Quốc gia, Trung tâm KCXTCT đã chủ động phối hợp với các đơn vị, HTX được thụ hưởng nguồn hỗ trợ, tiến hành triển khai tổ chức thành công 2 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, gia công cơ khí và chế biến chè xanh trên địa bàn huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì với kinh phí là 470 triệu đồng; hỗ trợ 3 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất chè xanh, chế biến nông - lâm sản trên địa bànhuyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng. Đến nay, các đề án đã đi vào hoạt động, sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, như HTX Hạnh Quang, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) từ đơn vị sản xuất chè xanh thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ bán ở thị trường trong tỉnh, nhưng với việc đầu tư bài bản cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng thương hiệu, đào tạo công nhân lao động và trang thiết bị máy móc của Trung tâm KCXTCT, đến nay thương hiệu chè xanh Shan tuyết Cổng trời của HTX Hạnh Quang đã vươn ra thị trường trong, ngoài tỉnh; được người tiêu dùng ưa thích, lựa chọn.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Khuyến công Quốc gia, Khuyến công địa phương cũng là nguồn hỗ trợ được sử dụng thiết thực, đúng mục đích; cụ thể năm 2014, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho 13 đề án, với 850 triệu đồng, trong đó tổ chức giới thiệu mô hình đối với 3 đề án hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống sản xuất Giấy bản của dân tộc Dao, thôn Thanh Sơn, thị trấn Bắc Quang (Bắc Quang); sản xuất, chế biến chè thôn Nà Thác, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); rèn đúc nông cụ, thôn Quán Thèn, xã Bản Díu, huyện Xín Mần. Qua đề án đã trang bị cho một số hộ dân trong làng nghề thiết bị phục vụ sản xuất, động viên khuyến khích kịp thời bà con tích cực phát triển sản xuất, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống tại địa phương. Cùng với đó Trung tâm KCXTC cũng triển khai hỗ trợ 7 đề án cho các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn đã giúp các đơn vị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Không dừng ở việc hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất, chế biến mua máy móc, thiết bị, Trung tâm KCXTCT còn tổ chức đào tạo nghề cho lao động địa phương, tổ chức cho các lao động đi học hỏi kinh nghiệm những làng nghề truyền thống ở các tỉnh, từ đó giúp người lao động nâng cao tay nghề, tăng thu nhập...
Có thể nói công tác khuyến công Hà Giang trong năm vừa qua được triển khai đúng hướng, đúng kế hoạch, nội dung hỗ trợ đã bám sát nhu cầu thực tế hoạt động CNNT tại địa phương. Thực sự động viên khuyến khích kịp thời và huy động được các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến những sản phẩm thế mạnh tại địa phương, qua đó đã nâng cao giá trị sản phẩm của đơn vị, giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lao động đáng kể tại địa phương góp phần tích cực cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại tỉnh nhà.
Lê Lâm