Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 18:47 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Giang: Khuyến công 5 năm vượt khó

13/01/2015

Hà Giang là một trong những địa phương khó khăn nhất trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn không nhiều lại có quy mô nhỏ lẻ… khiến công tác khuyến công của tỉnh gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương cho biết: Hà Giang có nhiều tiềm năng về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 535 cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất trang phục, đồ da, chế biến lâm sản. Tỉnh cũng đã công nhận 22 làng nghề truyền thống nhưng chỉ một vài làng nghề phát triển như: Làng nghề rượu Thanh Vân, dệt lanh Lùng Tám… còn lại các làng nghề đều khá “đìu hiu”.


Các cơ sở công nghiệp lại nằm rải rác, có cơ sở cách thành phố tới hơn 150km, các đề án lại thường triển khai ở địa phương vùng sâu vùng xa trong khi đó số lượng cán bộ làm công tác khuyến công lại rất hạn chế. Trung tâm hiện chỉ có 22 cán bộ công chức viên chức, không đủ lực lượng để rải ra các huyện, thị trên địa bàn… đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai các đề án.


Từ năm 2010-2014, với trên 10,55 tỷ đồng, khuyến công Hà Giang đã triển khai 85 đề án, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 30 đề án, kinh phí trên 7,939 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 55 đề án, kinh phí trên 2,615 tỷ đồng.


Khuyến công Hà Giang đã tổ chức được 41 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, thêu ren, chế biến chè cho 1.555 cho lao động tại các huyện Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì…, hỗ trợ xây dựng 17 mô hình trình diễn kỹ thuật ở các ngành nghề có thế mạnh ở địa phương. Đến nay, phần lớn các mô hình đã hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo việc làm mới cho nhiều bà con dân tộc thiểu số.


Ngoài ra, khuyến công Hà Giang cũng đã hỗ trợ 39 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ vào sản xuất chế biến chè, gia công cơ khí… Hỗ trợ 8 đơn vị có sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng xây dựng đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế nhãn mác, bao bì. Theo đó, nhiều thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh đã được bảo hộ quyền sở hữu như: Chè Độ Khoa, Tuấn Băng trà, chè Hạnh Quang, mật ong Trường Anh, Thành Sơn trà…


Đánh giá về hiệu quả của công tác khuyến công 5 năm qua, ông Nguyễn Hữu Hải cho rằng: Những năm qua khuyến công Hà Giang đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa ngành nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, khuyến công đã khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống tại một số địa phương. Mở ra cơ hội thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản lý… cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…

Năm 2015 tỉnh Hà Giang dự kiến đề nghị khuyến công địa phương hỗ trợ trên 20 đề án với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Kế hoạch khuyến công quốc gia hỗ trợ 8 đề án, kinh phí hỗ trợ 3,745 tỷ đồng.