Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 18:40 GMT+7

Tin hoạt động

Ngành Công Thương: Sẵn sàng cho mục tiêu 2015

07/01/2015

Điểm nhấn 2014

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành Công Thương diễn ra ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, nhờ việc quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), năm 2014, đã có 13/14 chỉ tiêu của ngành Công Thương đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,6% (cao hơn so với mức tăng 5,9% của năm 2013). Giá trị gia tăng công nghiệp ước tăng khoảng 7,14% (cao hơn mức 5,43% của năm 2013).

Sản xuất công nghiệp ghi nhận sự phục hồi đáng kể của tất cả các nhóm ngành. Sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao, nhất là các ngành có thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng lớn như dệt may, da giầy, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học… và những sản phẩm thị trường trong nước tiêu thụ tốt như dây cáp điện, giầy dép... Ngành khai khoáng bước đầu lấy lại đà tăng trưởng đã phản ánh thực tế sự phục hồi của sản xuất.

Hoạt động xuất khẩu (XK) cũng thu được nhiều hiệu quả cao khi tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16 điểm % so với kế hoạch, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, XK của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 94,4 tỷ USD, tăng 16,7%; XK của các DN trong nước đạt 48,44 tỷ USD tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014, có 23 nhóm hàng có KNXK trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, với tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013, xuất siêu năm 2014 ước đạt 1,984 tỷ USD, trong đó, khối DN đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD. Các DN trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.

Như vậy, quy mô và tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa năm 2014 đều vượt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu các nhóm hàng XK của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 73,5%, theo sau lần lượt là nhóm hàng nông sản, thủy sản 14,8% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 6%.


Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ năm 2014 đạt 2.945.277 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2013. Cả năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2013 (đây là mức tăng thấp so với các năm trước)... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong năm 2014, cân đối cung cầu hàng hóa, kể cả hàng thông dụng và hàng thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá, sốt hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực đã từng bước góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.


Sẵn sàng cho mục tiêu 2015


Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015). Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2015 khoảng 6,2%, ngành Công Thương đã đề ra mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,8-7,9% so với ước thực hiện 2014; Tổng KNXK đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Tổng KNNK ước đạt 171 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2014. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng KNXK dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11-12%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Để đạt được con số này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ngành Công Thương phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các cấp các ngành tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh đầu tư các công trình điện đảm bảo đúng tiến độ, nâng cao năng lực sản xuất quốc gia năm 2015 và những năm tiếp theo.

Thứ 2, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Thứ 3, tiếp tục các biện pháp đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa.

Thứ 4, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ 5, kiên quyết thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện than…

Thứ 6, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa nạn hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thứ 7, đẩy mạnh thực hiện các Đề án, kế hoạch cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải lĩnh vực kinh doanh chính. Bên cạnh sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DN còn cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp, trong đó có các cơ sở đào tạo, bệnh viện, cơ sở sản xuất thủ công…

Thứ 8, tích cực đàm phán để tiến tới ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã hoàn tất đàm phán về kỹ thuật trong năm 2014. Đồng thời thực hiện tốt các Hiệp định đã ký, chủ động thực hiện những cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào 31/12/2015.

Thứ 9, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chống quan liêu phiền hà trong thực thi công vụ.

Thứ 10, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ 11, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.


Về phía các DN, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, năm 2015, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, ngành điện đặt ra mục tiêu điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh, tăng 10,4% so với năm 2014; Tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức 8%; Đầu tư xây dựng 127 tỷ đồng, tăng 1,66% so với năm 2014. “Năm 2015, nhiệm vụ của EVN là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Với GDP cao hơn 2014, nhu cầu điện cao hơn nên EVN đang xây dựng kế hoạch đầu tư lớn, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động nhằm hoàn thành mục tiêu đó” – ông Vượng nêu rõ.

Góp phần tích cực cho mục tiêu XK, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, năm 2015, toàn ngành đặt ra mục tiêu XK từ 7 – 7,5 triệu tấn gạo. Bên cạnh các thị trường truyền thống, các DN đang nỗ lực mở rộng thị trường mới nhằm tháo gỡ khó khăn, đa dạng hóa thị trường, thực hiện tốt mục tiêu XK trong năm tới.