Ngành cơ khí: Giải pháp gỡ khó
29/12/2014
Nút thắt về vốn
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Cơ khí Việt Nam (VAMI), giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Như năm 2013 đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các DN cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước; cụ thể năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch VAMI thừa nhận, mặc dù ngành cơ khí được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, nhưng việc thực hiện các chính sách ưu đãi rất kém, còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Ông Thụ dẫn chứng, việc triển khai quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm cho 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng vay vốn.
Khẳng định khó khăn về tiếp cận vốn ưu đãi, ông Phan Tử Giang, tổng Giám đốc Công ty chế tạo giàn khoan dầu khí chia sẻ, mặc dù các dự án chế tạo giàn khoan dầu khí hay xây dựng căn cứ cho giàn khoan đều thuộc dự án cơ khí trọng điểm, nhưng đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động, DN vẫn chưa nhận được ưu đãi về mặt tài chính.
Ngoài ra, sản phẩm MBA 220KV của Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, nằm trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm, thuộc diện được hỗ trợ tín dụng, nhưng ông Trần Văn Quang - Tổng giám đốc Tổng công ty nhận xét: “Vay vốn rất khó bởi thủ tục nhiêu khê và phức tạp”
Tập trung cho nội địa hóa
Để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Ryu Hang Ha, tổng giám đốc Doosan Vina cho biết, với những vướng mắc về nguồn vốn, Việt Nam nên áp dụng cơ chế ưu đãi về tài chính, lãi suất giá rẻ đối với chủ đầu tư có sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, tạo sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan có mối liên hệ mật thiết với DN như: Hải quan, thuế, ngân hàng...
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các DN cơ khí trong nước phát triển, khi cấp phép cho các dự án nhiệt điện, lọc hóa dầu, xử lý hóa chất… nên đưa ra các điều khoản mang tính nghĩa vụ bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa phần nguyên vật tư chính và phần xây dựng, hoặc các DN có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn khi tham gia đấu thầu sẽ được áp dụng điểm ưu tiên. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đấu thầu và khả năng trúng thầu được cao hơn.
Bên cạnh đó, theo quy định của chương trình các sản phẩm cơ khí trọng điểm, nếu trong nước sản xuất được phải được giao thầu trong nước hoặc chỉ định thầu ký hợp đồng với các nhà cung cấp trong nước về phần sản phẩm đó.
Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của DN, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh kịp thời cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm trình Chính phủ.
Để tập trung tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí trong giai đoạn tiếp theo, ông Phan Tử Giang cũng cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh lại chính sách thuế hợp lý hơn để khuyến khích khách hàng trong nước sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước. Các chính sách về thuế cho sản phẩm cơ khí trọng điểm cần phải đồng bộ hơn. Trong đó, thuế nhà thầu phụ đối với sản phẩm và dịch vụ đi kèm sản phẩm mà các DN nội địa chưa làm được thì cần phải được xem xét theo lộ trình.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Thụ, bản thân các DN cơ khí cũng phải tự chủ động vươn lên, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia tích cực chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết với các đơn vị, hạn chế kiểu đầu tư khép kín, dàn trải; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm..
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới các DN cơ khí cần đặc biệt chú trọng việc thực hiện chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2015 với tổ máy 600MW theo chương trình nội địa hóa mà hiệp hội đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1791/QĐ-TTg. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ, ngành khác xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trong thời gian sớm nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Lan Anh