Trên thực tế, cùng với các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư công nghệ mới...thì phong trào áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế đã phần nào giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng hội nhập. Bằng chứng là nhờ có chứng chỉ ISO mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã giành được các hợp đồng gia công xuất khẩu hay thắng thầu trong các dự án đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên chìa khóa thật sự để thành công trên thị trường chắc chắn không chỉ dừng lại ở việc có chứng chỉ ISO và giành được hợp đồng.
Năng suất - chìa khóa quyết định năng lực cạnh tranhNếu đặt câu hỏi: “Yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp (hay của cả một nền kinh tế) là gì?” thì bất kỳ một chuyên gia kinh tế nào cũng sẽ đưa ra câu trả lời: “Năng suất”. Khái niệm năng suất được thể hiện bằng tỷ lệ giữa kết quả thu được và các chi phí phải bỏ ra. Trong thực tế có rất nhiều chỉ số năng suất khác nhau phản ánh năng lực của doanh nghiệp như: giá trị gia tăng/lao động.năm (năng suất lao động), giá trị gia tăng/tài sản cố định hay giá trị gia tăng/m2 diện tích sản xuất kinh doanh...
Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm. Cũng theo báo cáo của ILO, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và không có đủ kỷ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore đến 15 lần và tốc độ tăng năng suất lao động Việt đang giảm dần.
Theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), Việt Nam chỉ được xếp ở vị trí 68 (trên 144 nền kinh tế được đánh giá) về năng lực cạnh tranh. Và một điều đáng phải suy nghĩ là Việt Nam đang nằm trong khu vực có những cải cách mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh nói chung, nhưng sức cạnh tranh của Việt Nam lại thấp nhất và có tốc độ cải thiện chậm nhất. Trong số 5 nền kinh tế đang phát triển ở ASEAN, Việt Nam cách rất xa so với 4 nước Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Để đánh giá vai trò của năng suất đối với khả năng cạnh tranh, chúng ta cùng phân tích cơ cấu các chi phí tạo ra sản phẩm: CP = CF + CV trong đó:
- CP: Chi phí tạo ra sản phẩm
- CF: Chi phí cố định: gồm các chi phí nhân công trực tiếp, chi phí vật tư trực tiếp, khấu hao thiết bị...
- CV: Chi phí biến đổi: gồm chi phí quản lý, bán hàng, hao hụt vật tư, chi phí trả lương cho nhân công nhàn rỗi, chi phí tồn kho sản phẩm và chi phí sửa chữa khắc phục các sai hỏng về chất lượng...
Trong các chi phí nêu trên thì chi phí cố định (CF) là phần không thể hoặc rất khó thay đổi đối nếu muốn tạo ra sản phẩm với một mức chất lượng đã định. Phần chi phí có khả năng tiết giảm sẽ tập trung vào chi phí biến đổi (CV) thông qua các biện pháp cải tiến tăng năng suất (tối ưu hóa trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng...v...v...). Nhờ giảm bớt chi phí biến đổi doanh nghiệp sẽ hạ được giá thành sản phẩm, tăng khả năng tích lũy và phát triển.
Phân tích trên cho thấy việc nâng cao năng suất sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để tăng năng lực cạnh tranh cũng như khả năng phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Tại sao chứng chỉ ISO chưa đủ để cạnh tranh & hội nhập?Mọi người đều biết rằng chứng chỉ ISO chỉ đảm bảo cho sản phẩm của doanh nghiệp đạt được mức chất lượng mà doanh nghiệp cam kết chứ chưa chắc đã có chất lượng cao hơn các sản phẩm cạnh tranh. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một doanh nghiệp tuy có chứng chỉ ISO nhưng lại có năng suất thấp hơn (đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn) so với đối thủ cạnh tranh không có chứng chỉ ISO trong khi chất lượng sản phẩm lại chỉ tương đương?
Nếu ai đã từng tìm hiểu tiêu chuẩn ISO (9000 hoặc 14000) thì sẽ thấy rằng tiêu chuẩn chỉ đưa ra các yêu cầu phải thực hiện mà hoàn toàn không đưa ra mức độ phải đạt được (trừ các yêu cầu luật định về môi trường trong tiêu chuẩn ISO14001) cũng như cách thức hay công cụ thực hiện các yêu cầu đó. Tất nhiên để có thể áp dụng cho mọi tổ chức, không phân biệt loại hình, qui mô và sản phẩm/dịch vụ cung cấp thì không thể đòi hỏi tiêu chuẩn phải chi tiết hơn hay có các hướng dẫn cụ thể kèm theo. Vấn đề là tiêu chuẩn ISO chỉ đưa ra các yêu cầu cơ bản nhất đối với hệ thống quản lý còn áp dụng như thế nào để ISO thực sự đem lại hiệu quả thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.
Giải pháp?Mục đích của bài viết này không nhằm thuyết phục mọi người rằng áp dụng ISO là vô ích mà muốn chỉ ra rằng cách thức mà một số không ít các doanh nghiệp hiện đang áp dụng ISO sẽ thực sự không làm tăng năng lực của doanh nghiệp và đã đến lúc cần phải thay đổi từ nhận thức tới hành động trong việc áp dụng ISO.
Thực tế từ “Phong trào ISO” ở Việt Nam đã cho thấy các doanh nghiệp áp dụng ISO xuất phát từ hai mục đích chính: có chứng chỉ ISO cho “oai” và thực sự muốn nâng cao hiệu quả.
Nếu đi theo hướng thứ nhất thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản: doanh nghiệp hầu như không cần bỏ ra nhiều công sức hay đầu tư các nguồn lực mà chỉ cần nghĩ ra các mục tiêu “khiêm tốn” hoặc không mấy thiết thực (mà thông thường khi chưa áp dụng ISO cũng vẫn đạt được), văn bản hóa các hoạt động quản lý hiện tại của mình sau khi đã có các điều chỉnh nhỏ và chứng minh tính phù hợp trong các cuộc đánh giá. Hệ thống quản lý khi đó sẽ chỉ chú trọng tới tính phù hợp, giống như khi áp dụng ISO9000 phiên bản 1994 “Viết những gì mình đang làm và làm đúng những gì đã viết ra”. Với cách làm như vậy chắc chắn sẽ không đem lại giá trị gia tăng gì cho doanh nghiệp (tất nhiên trừ giá trị khuyếch trương hình ảnh doanh nghiệp).
Ngược lại, nếu doanh nghiệp thực sự muốn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì tất nhiên sẽ phải đầu tư nghiêm túc hơn rất nhiều, các công việc phải làm cũng nhiều hơn nhưng tất nhiên thành quả thu được cũng xứng đáng với những nỗ lực của doanh nghiệp. Thông thường, quá trình xây dựng hệ thống quản lý sẽ phải trải qua các giai đoạn chính:
- Thu thập dữ liệu và đánh giá chi tiết hệ thống quản lý hiện tại của doanh nghiệp;
- Xây dựng định hướng phát triển; Xác định phạm vi, các mục tiêu cải tiến rõ ràng (có tham vọng nhưng khả thi);
- Áp dụng các công cụ cải tiến phù hợp trong quá trình đổi mới hệ thống quản lý trong đó đặc biệt chú trọng tới việc áp dụng các công cụ cải tiến để nâng cao và duy trì năng suất toàn diện;
- Đo lường và đánh giá các kết quả thực hiện;
- Thực hiện các biện pháp điều chỉnh và tiếp tục cải tiến.
Các doanh nghiệp áp dụng ISO đều biết rằng tinh thần của bộ tiêu chuẩn ISO9000:2000 hay ISO14000 là đề cao tính hiệu lực và cải tiến liên tục của hệ thống quản lý. Vấn đề mấu chốt là lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự mong muốn cải tiến thông qua các mục tiêu và áp dụng các công cụ như quản lý tác nghiệp, quản lý nội tại hiệu quả, sản xuất sạch hơn, 5S, Kaizen...v...v...trong việc thiết lập, duy trì và tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý hay không?
Để minh họa cho điều này, xin nêu một ví dụ đơn giản về việc hoạch định và xác định các công cụ thực hiện mục tiêu tại một doanh nghiệp mong muốn đạt được hiệu quả thực sự:
Mục tiêu tài chính | Mục tiêu chất lượng & môi trường | Biện pháp thực hiện |
| - Giảm 2% lượng nguyên liệu hao phí trong các công đoạn sản xuất. - Giảm 1% lượng nguyên liệu/vật tư hao phí trong quá trình lưu kho.
| - Áp dụng 5S, Kaizen và Quản lý nội tại hiệu quả. - Cải tạo nhà kho và thiết lập lại qui trình quản lý kho.
|
| - Giảm 5% lượng nước thải cần xử lý trong toàn nhà máy. | - Áp dụng các biện pháp Sản xuất sạch và Quản lý nội tại hiệu quả để phân tích & thực hiện giảm 3% lượng nước sử dụng. - Phân luồng nước thải để giảm 2% lượng nước thải phải xử lý.
|
| - Giảm 3% lượng hàng tồn kho. - Đảm bảo 92% đơn hàng được giao đúng thời hạn.
| - Áp dụng các công cụ Quản lý tác nghiệp tái lập lại qui trình Dự báo bán hàng - Lập kế hoạch sản xuất. - Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào các qui trình quản lý tác nghiệp.
|
| - Giảm 2% phế phẩm. | - Tăng chu kỳ bảo dưỡng thiết bị từ 01 lần/năm lên 02 lần/năm. - Áp dụng các công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng sản phẩm.
|
| - Tăng 7% năng suất lao động. - Tăng 10% công suất nhà máy.
| - Bố trí lại dây chuyền tổ chức sản xuất. - Đào tạo cơ bản về Quản lý tác nghiệp sản xuất cho tất cả các quản đốc phân xưởng.
|
Qua ví dụ trên, chúng ta thấy rằng để hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO thực sự đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thì cần phải đề ra các mục tiêu thực sự hiệu quả và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất trong quá trình xây dựng và duy trì. Chỉ khi nào doanh nghiệp làm được như vậy thì hệ thống quản lý mới theo đúng định hướng cải tiến liên tục mà tiêu chuẩn ISO đề ra và phát huy được giá trị đích thực. Còn nếu như các doanh nghiệp áp dụng ISO vẫn tự bằng lòng với chính mình đồng thời hi vọng rằng chứng chỉ ISO là chìa khóa để hội nhập và phát triển thì chắc chắn cơ hội của họ ngay trên thị trường Việt Nam cũng sẽ ngày một giảm đi và khi tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn thì đến bao giờ vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh mới được cải thiện?
Để kết thúc bài viết này, chúng ta cùng quay lại với câu hỏi
“Chứng chỉ ISO có đủ để hội nhập?” Câu trả lời xin giành cho các lãnh đạo doanh nghiệp.
Trần An