Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 05:46 GMT+7

Tin hoạt động

Bình Phước: Hiệu quả từ hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến

05/09/2014

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cùng với sự hỗ trợ một phần của kinh phí khuyến công, Doanh nghiệp tư nhân Phóng Lệ ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập đã trở thành một doanh nghiệp sản xuất có uy tín, có thương hiệu và được rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác đến trao đổi kinh nghiệm thành công.

Năm 2013, Doanh nghiệp tư nhân Phóng Lệ được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã đầu tư lắp đặt hệ thống nồi hơi vào dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều. Với dây chuyền chế biến công suất 1000 kg/h, Doanh nghiệp mỗi ngày chỉ tốn khoảng 0.5m3 khối củi với giá thành khoảng 200 ngàn đồng cho hệ thống nồi hơi. Bên cạnh việc tiết kiệm được tới 70% chi phí nhiên liệu, thì chỉ với thời gian 20 phút sẽ hấp được 1,2 tấn hạt điều và sấy sau 18 giờ sẽ thu được 1,5 tấn nhân điều. Ngoài ra, trong quá trình vận hành nhờ có hệ thống hút bụi, lọc không khí nên môi trường lao động được sạch sẽ, thông thoáng hơn, an toàn sức khỏe cho người lao động được nâng lên. Một ưu điểm nữa khi sử dụng hệ thống nồi hơi là tiết kiệm được 50% chi phí công lao động. Chỉ cần 3 công nhân cho cả 2 khâu hấp và sấy sau khi tách nhân điều. Từ khi đưa hệ thống này vào hoạt động, việc sản xuất chế biến điều của Doanh nghiệp luôn được duy trì ổn định, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân.


Với Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thăng ở thôn 4, xã Đa Kia, thì đề án ứng dụng nồi hơi bằng nguồn hỗ trợ của đề án khuyến công địa phương đã trực tiếp giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ sản xuất đình trệ. Được thành lập từ năm 1998 nhưng do eo hẹp về nguồn vốn nên tất cả các khâu như sấy, chẻ, bóc vỏ, phân loại hạt điều… của doanh nghiệp đều thực hiện bằng thủ công. Trong đó, hấp nguyên liệu thường là khâu chi phí tốn kém nhất.


Anh Nguyễn Hữu Thăng - chủ doanh nghiệp luôn trăn trở cần phải đổi mới trang thiết bị để có thể sản xuất chế biến hạt điều bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… Năm 2013, được sự hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương doanh nghiệp Tuấn Thăng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống thiết bị nồi hơi có trị giá 440 triệu. Mặc dù số tiền hỗ trợ tuy không lớn, song đã kịp thời giúp doanh nghiệp trang trải một phần kinh phí mua máy. Với công suất 6,5 tấn hạt điều đuợc hấp mỗi ngày đã đảm bảo việc làm cho 50 lao động, gắn bó với doanh nghiệp lâu nay.


Từ những đề án khuyến công hỗ trợ kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã thực sự đồng hành cùng các doanh nghiệp điều trên địa bàn trong việc ổn định sản xuất, tăng lợi nhuận, tính cạnh tranh trên thị trường và góp phần để sản xuất, chế biến ra những thương phẩm hạt điều đạt theo tiêu chuẩn ISO, HACCP…

Thúy Hà