Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:56 GMT+7

Tin hoạt động

Quảng Trị: Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh

05/09/2014

Hoạt động khuyến công trong những năm qua hướng vào các nội dung góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH. Hoạt động khuyến công đã quan tâm đến việc hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp (CN), làng nghề cho các địa phương trong tỉnh, hỗ trợ một phần kinh phí lập quy hoạch chi tiết 15/16 cụm CN và một điểm CN làng nghề với tổng kinh phí 1,360 tỉ đồng, qua đó góp phần thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm địa phương, chính sách ưu đãi đầu tư, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các mô hình sản xuất cho cơ sở, hội thảo chuyên đề và tiếp cận nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được quỹ khuyến công tài trợ thực hiện.

Bên cạnh đó một trong những hoạt động trọng tâm của khuyến công tỉnh thời gian qua là hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Đã hỗ trợ thực hiện 88 đề tài đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất với kinh phí hỗ trợ 2,703 tỉ đồng; xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 12 cơ sở đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống, sản phẩm chủ yếu của địa phương.


Qua các hoạt động trên đã góp phần đưa các sản phẩm như gạo, tinh bột sắn, tiêu, ván ép thanh, áo quần may sẵn, phân vi sinh, bột cá… đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm truyền thống như nước mắm Tùng Vân, Mỹ Thủy, Huỳnh Kế, Việt Hà; ruốc bột Thâm Khê ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước, được người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng. Ngoài ra một số thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng được sản xuất, lắp ráp tại chỗ như máy cắt nông sản, máy tách bắp, lạc, máy tuốt lúa... Công tác khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển ngành nghề mới được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, một số nghề du nhập vào địa bàn như mộc mỹ nghệ, thêu ren, đồ gỗ nội thất, may công nghiệp, chế biến thủy sản. Bên cạnh đó cũng đã hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của các nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.


Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị cũng đã nhận được kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 894 triệu đồng cho việc đào tạo 1.196 lao động địa phương. Kinh phí thực hiện khuyến công giai đoạn từ 2004 -2013 từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh là 18,891 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 12,161 tỉ đồng; ngân sách cấp huyện chi cho khuyến công 6,730 tỉ đồng. Kinh phí khuyến công quốc gia 2,263 tỉ đồng. Nhờ đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp qua từng năm. Hoạt động khuyến công đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; từ nguyên liệu sẵn có của địa phương phát triển thành các sản phẩm có giá trị sử dụng, xây dựng thương hiệu có uy tín. Tuy vậy so với yêu cầu việc triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 12b của HĐND tỉnh còn hạn chế: cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện, việc cấp đất sản xuất còn chậm, các điểm làng nghề ít được quan tâm quy hoạch, đầu tư hạ tầng, các nội dung về hỗ trợ tín dụng, khoa học công nghệ, nguồn kinh phí đầu tư hàng năm còn thấp, đội ngũ khuyến công chưa đáp ứng được nhu cầu...


Yêu cầu trong giai đoạn mới đòi hỏi công tác khuyến công đáp ứng được những nhiệm vụ cao hơn theo sự phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Dự án về chính sách khuyến công được UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 12 đã nêu lên mục tiêu khuyến công thời gian tới là: Tỉ trọng ngành CN trong cơ cấu kinh tế GDP của tỉnh đến năm 2020 chiếm 31-32%; tăng trưởng ngành CN bình quân giai đoạn 2015- 2020 đạt 15-16%. Năng suất lao động CN đến năm 2020 là 150 triệu đồng/ người/năm; tạo việc làm bình quân trong ngành CN đến năm 2020 khoảng 4.440 lao động/năm. Phấn đấu thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN để thực hiện các đề án khuyến công năm 2020 đạt 20 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 đạt 125 tỉ đồng.


Đối tượng được áp dụng chính sách khuyến công là tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (gọi chung là CNNT); các cơ sở sản xuất CN áp dụng sản xuất sạch hơn; các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công. Các ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công là: CN chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng CN phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; CN hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất vật liệu xây dựng (trừ sản xuất gạch đất sét nung); sản xuất sản phẩm phụ tùng, linh kiện, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử, tin học; sản xuất gia công chi tiết, bán thành phẩm và CN hỗ trợ; sản xuất hàng TTCN; áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất CN.


Dự án cũng đặt vấn đề chính sách khuyến công của tỉnh ưu tiên cho các huyện miền núi, hải đảo, các huyện vùng đồng bằng và nhóm ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ là: sản xuất các sản phẩm trong danh mục sản phẩm CN chủ lực, CN trọng điểm của tỉnh được phê duyệt, các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh được bình chọn, các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ; CN chế biến nông, lâm, thủy sản; CN cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn, CN hỗ trợ…


Để thực hiện các mục tiêu, nội dung nêu trên thì kinh phí khuyến công sử dụng nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2015 dự kiến khoảng 4,3 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 30 tỉ đồng. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh hình thành từ các nguồn như ngân sách tỉnh bố trí, ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, kinh phí tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong và ngoài nước; nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hy vọng rằng với những chủ trương mới trong công tác khuyến công, thời gian tới hoạt động sản xuất CN-TTCN nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn…
 

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh hình thành từ các nguồn như ngân sách tỉnh bố trí, ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, kinh phí tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong và ngoài nước; nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hy vọng rằng với những chủ trương mới trong công tác khuyến công, thời gian tới hoạt động sản xuất CN-TTCN nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn…


Phước An