Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 10:22 GMT+7

Tin hoạt động

Cao Bằng đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn

12/04/2014

Thực hiện chương trình khuyến công quốc gia năm 2013, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên 688 triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến trúc. Mô hình có công suất 4.500 tấn sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ đồng, chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư 2 thiết bị gồm máy dệt chiếu và máy ép chiếu trong dây chuyền sản xuất. Thời điểm hiện tại, mô hình đã hoạt động ổn định, đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho 300 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trung tâm khuyến công tỉnh cũng đã hỗ trợ máy bóc tách nan tre Zkp3-5.5 cho Hợp tác xã Tây An (xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Đây là thiết bị trong dây chuyền mới đầu tư của hợp tác xã với mức hỗ trợ 60 triệu đồng. Dự kiến sau khi đạt 100% công suất, đề án sẽ góp phần tăng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng cho hợp tác xã và tạo việc làm cho 100 lao động.

Trên đây chỉ là 2 trong số 7 đề án Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng đã triển khai trong năm 2013. Đáng nói, hầu hết các đề án đều hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn như: Hỗ trợ ứng dụng thiết bị vào sản xuất gia công cho Hợp tác xã Ngôi Sao Sáng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm Măng Ngà Hưng Tuyên cho cơ sở Cao Đình Tú (xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc); hỗ trợ đào tạo nghề chế biến khoáng sản cho 200 lao động của Công ty CP Khoáng sản Tây Giang Cao Bằng và Công ty Khoáng sản và luyện kim Việt Nam.…

Ngoài ra, trung tâm cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp như: Thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công và lập dự toán xây dựng công trình dự án đầu tư ổn định cư dân biên giới xóm Lũng Choang, xã Lăng Yên, huyện Trùng Khánh; cải tạo nâng cấp mạng nội bộ và trang bị phần mềm quản lý bệnh viện tại Bệnh viện Đa khoa của tỉnh.…

Có thể nói, những thành quả mà khuyến công Cao Bằng đạt được trong năm vừa qua là kết quả của rất nhiều nỗ lực, bởi Cao Bằng là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho công tác khuyến công không nhiều. Theo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, kinh phí dành cho khuyến công của Cao Bằng rất thấp, 5 năm (2008-2012) chỉ chưa đầy 4  tỷ đồng.

Hơn nữa, quy mô các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh còn nhỏ lẻ, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Trên địa bàn tỉnh cũng có một số cơ sở phát triển ngành nghề truyền thống nhưng tập trung ở những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông…. Cao Bằng cũng chưa có cụm công nghiệp, trong khi yêu cầu tạo mặt bằng cho sản xuất và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư đang rất cấp thiết.

Để hoạt động khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả và là bạn đồng hành đáng tin cậy cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, Cao Bằng sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa một số văn bản về quản lý khuyến công để phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tăng cường công tác khảo sát nhu cầu, năng lực của các cơ sở công nghiệp nông thôn đảm bảo tính khả thi cho các đề án. Theo sát quá trình triển khai các đề án nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và đánh giá được tác động của hoạt động khuyến công.

Trung tâm khuyến công tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền về khuyến công, nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến công viên nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động của trung tâm cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững./.