Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, tính đến năm 2013, sau 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch “Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2015”, hơn 50 DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các giải pháp SXSH và tiết kiệm mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi đầu tư công nghệ uốn CNC thay cho công nghệ dập, mỗi năm, Công ty TNHH công nghệ Cosmos đã giảm thiểu 9,744 tấn thép phế liệu, giảm tiêu thụ 148.536 kWh điện. Một đơn vị khác là DN tư nhân Anh Đức đã đầu tư dây chuyền thu hồi bột giấy sản xuất bìa carton, bảo ôn mặt bích lô xeo giấy và đường ống dẫn hơi nóng, làm kho chứa nhiên liệu và cải tạo mái nhà xưởng… Mỗi năm, các giải pháp này giúp DN tiết kiệm 627,6 triệu đồng, giảm 10% lượng than sử dụng và giảm 15 tấn bùn thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Thành Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết, những ví dụ kể trên cho thấy các giải pháp SXSH không chỉ mang lại lợi ích trước mắt về kinh tế mà còn giúp DN có cái nhìn, nhận thức khác hơn về tầm quan trọng của SXSH, trong đó, phải kể đến việc triển khai dự án đã giúp cải thiện tình trạng môi trường; giảm chi phí tổng thể; giảm mức phát sinh chất thải, mức tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước; giảm chi phí về bảo vệ môi trường, chi phí xử lý chất thải; tăng năng suất, sức cạnh tranh cho DN...
Trước những lợi ích lớn từ SXSH, để nhân rộng những hiệu quả của hoạt động này, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp – Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã tổ chức lớp phổ biến, nâng cao nhận thức về SXSH cho các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và tiến hành hỗ trợ kinh phí đổi mới máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, do là hoạt động mới nên việc áp dụng SXSH trên địa bàn Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn, hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung chiến lược, trình tự thủ tục hồ sơ triển khai, định mức hỗ trợ các dự án; nguồn kinh phí để triển khai thực hiện SXSH còn ít; cán bộ phụ trách triển khai thực hiện hoạt động SXSH hạn chế cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Đáng chú ý, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh mặc dù đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH mang lại nhưng chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện vì còn thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm… Do đó, ông Dũng cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy SXSH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng; Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương và các nguồn khác hỗ trợ cho hoạt động SXSH… Ngoài ra, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch số 6291/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh SXSH trong công nghiệp. Đây được cho là động thái quan trọng nhằm đưa hoạt động SXSH vào khuôn khổ cũng như phát huy mạnh nhất những hiệu quả của hoạt động này.
Vĩnh Phúc đang đặt ra mục tiêu đến năm 2015, các cơ sở được áp dụng SXSH sẽ giảm nguyên, nhiên liệu đầu vào từ 3-8%; tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm giảm 5-10%; 100% DN có bộ phận chuyên trách về SXSH…/.