Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 18/11/2024 | 05:27 GMT+7

Tin hoạt động

Quy định mới của AAFA Mỹ về các chất hạn chế trong sản phẩm

12/11/2010

Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều DN ngành dệt may và da giày trong nước.

Tại Hoa Kỳ và EU, vấn đề an toàn sản phẩm, quản lý hoá chất và các chất bị hạn chế trong sản phẩm, hàng hoá là vô cùng quan trọng. Mỗi nhãn hiệu xuất hiện trên thị trường phải tuân thủ các quy định bắt buộc về nguyên vật liệu, quy trình sản xuất an toàn cho người tiêu dùng. Bà Nancy Nord, Ủy viên Ủy ban An toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ (US Consumer Product Safety Commission - CPSC) cho biết, từ những vụ việc thời gian qua xảy ra tại Hoa Kỳ về sản phẩm nhập khẩu không an toàn, được dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm, khiến Quốc hội Mỹ vào cuộc và trao thêm quyền cho AAFA. Vì thế AAFA đã đưa ra danh sách những chất bị han chế áp dụng lên tất cả các loại sản phẩm, nhất là đối với hàng dệt may, quần áo trẻ em (đồ ngủ cho trẻ, dây rút cổ áo), vật dụng - đồ chơi trẻ em, hàng da giày, hàm lượng chì trong sơn… Việc áp dụng danh sách này sẽ có hiệu lực từ trung tuần tháng 2/2011.

Do ngành công nghiệp dệt may, da giày Việt Nam đang phát triển mạnh trong bối cảnh mối quan hệ thương mại hai nước ngày càng tăng, nên khả năng vi phạm an toàn sản phẩm, nhất là vi phạm danh sách những chất bị hạn chế của AAFA rất dễ xảy ra, vì thế bà Nancy Nord cho rằng, tốt nhất là nên tránh và ngăn ngừa từ xa các vi phạm này. Khi phát hiện vi phạm, AAFA có quyền thu hồi hàng hoá (cả hàng đang bày bán trong các cửa hàng bán sỉ, bán lẻ), DN vi phạm bị xử phạt nặng, có thể lên đến 15 triệu USD, có thể bị bỏ tù (đã có người bị tống giam tại Mỹ) và công bố trên mạng thông tin đại chúng.

Để tránh không vi phạm vào danh sách những chất bị hạn chế trên của AAFA, sản phẩm, hàng hoá sản xuất tại Mỹ, hoặc nhập khẩu vào Mỹ phải qua sự thẩm định của một phòng kiểm nghiệm độc lập nhằm có được sự chứng nhận mang tính quốc tế của CPSC. Việt Nam đang có nhiều phòng xét nghiệm độc lập nộp đơn xin được CPSC công nhận đạt tiêu chí của CPSC. Bà Nancy Nord cho biết thêm, Việt Nam nên tăng hơn nữa số các phòng xét nghiệm độc lập, nhất là hiện chưa có phòng xét nghiệm độc lập nào trong việc phòng chống cháy trên sản phẩm.

Để hỗ trợ DN Việt Nam, CPSC đã ký kết bảng ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam, nội dung là cả hai cùng hỗ trợ DN, cùng giải quyết các vấn đề trở ngại khi triển khai thực hiện danh sách những chất bị hạn chế của AAFA và hội nghị là một trong những hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam nắm rõ các quy định mới của AAFA. CPSC sẽ tăng hơn nữa các hoạt động tại Việt Nam nhằm không để các vi phạm an toàn sản phẩm xảy ra đối với hàng hoá Việt Nam xuất sang Mỹ…

Như thế, trong thời gian tới, DN Việt Nam không thể không thực hiện các quy định của AAFA để không trở thành đích ngắm của thị trường Mỹ trong vần đề an toàn sản phẩm, ngay cả không xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ vẫn sẽ bị truy xuất nguồn gốc khi có sự cố. Ông Stephen Lamar, Phó Chủ tịch AAFA cho rằng, khi thực hiện đúng các quy định của AAFA, hàng hoá của DN không những rất thuận lợi phát triển ở thị trường Mỹ mà còn dễ dàng tiếp cận được nhiều thị trường khác./.

Danh sách những chất bị hạn chế của AAFA được đăng tải trên trang web www.apparelandfootwear.org