Những năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng cao, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như sử dụng tài nguyên, nhiên liệu chưa hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường… Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản, cao su…
Là hoạt động được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phế thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững… sau khi được áp dụng, SXSH đã được chứng minh rằng có thể mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường cho các DN và địa phương. Tuy nhiên, tại Kon Tum, hoạt động SXSH mới chỉ được triển khai thông qua 1 số hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Hiệu quả thu được do đó chưa cao.
Nhằm tận dụng tối đa những hiệu quả từ SXSH, đưa nền công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng xanh hóa và bền vững, Quyết định số 835/QĐ-UBND về kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được UBND tỉnh Kon Tum ban hành. Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Quyết định này đề ra là đến năm 2015, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến về SXSH và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 15% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng tiến hành áp dụng SXSH và tiết kiệm từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 100% cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ngành quản lý nhà nước có liên quan và các huyện, thành phố được phổ biến về SXSH…
Bước sang giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của kế hoạch này đặt ra là 90% cơ sở SXCN có tiềm năng áp dụng SXSH được tuyên truyền, phổ biến về SXSH và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng tiến hành áp dụng SXSH và tiết kiệm từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. 90% doanh nghiệp vừa có bộ phận chuyên trách về SXSH.
Xác định SXSH là hoạt động cần khuyến khích thực hiện, để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đông dân cư nhằm đảm bảo SXSH được phổ biến một cách sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực là các cán bộ nòng cốt triển khai áp dụng SXSH ở cấp tỉnh và các huyện, thành phố. Lực lượng này được yêu cầu phải có khả năng tuyên truyền về lợi ích của SXSH, đủ năng lực để hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật về áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, những công nghệ mới, những công nghệ sử dụng năng lượng, nguyên liệu tiết kiệm và hiệu quả sẽ được giới thiệu đến các DN để DN có sự lựa chọn đầu tư đúng đắn… Với những mục tiêu và hành động cụ thể, SXSH được kỳ vọng sẽ góp phần “xanh hóa” nền công nghiệp Kon Tum./.