Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:26 GMT+7

Tin hoạt động

Mô hình trình diễn sản xuất bông, gạc y tế: Doanh nghiệp thu lợi hàng tỷ đồng

11/11/2013

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1), Cục Công nghiệp địa phương đã hỗ trợ 227 triệu đồng đầu tư một phần dây chuyền sản xuất bông, gạc y tế cho Công ty TNHH Đầu tư và thương mại An Lành (Cụm công nghiệp An Xá, xã Mỹ Xá, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định). Tổng mức đầu tư của dây chuyền sản xuất này là 17,962 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc IPC1, sở dĩ dự án sản xuất bông, gạc y tế của Công ty An Lành nhận được sự hỗ trợ là bởi sản phẩm bông, gạc y tế là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, do đó rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Hơn nữa, cả nước hiện nay chỉ có một số công ty sản xuất bông, gạc y tế, trong khi nhu cầu tại các bệnh viện rất lớn. Phần lớn các sản phẩm bông, gạc y tế phải nhập ngoại với giá thành khá cao. Vì vậy, xét trên khía cạnh thị trường, cơ hội đầu tư của dự án đảm bảo đúng hướng và hiệu quả.

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, bên cạnh hạng mục xây dựng nhà xưởng, kho bãi…, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại An Lành đã dành phần kinh phí đáng kể đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất. Ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại An Lành khẳng định, máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất bông, gạc y tế như: Máy mắc, máy đánh cuộn, hệ thống lò hơi, máy cắt khổ, máy khử khuẩn… chủ yếu được nhập khẩu từ châu Âu, Trung Quốc.... Hệ thống máy móc thiết bị này sẽ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Tiêu biểu, với đặc tính được dệt bằng sợi bông 100%, được đóng gói theo quy cách với mật độ 16-28 sợi/inch; không có bụi bẩn, sợi lạ; không dính, không gây dị ứng, không độc hại với người sử dụng; dư lượng khô, dư lượng đốt cháy cao, nồng độ PH, tỉ lệ tinh bột theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và vô trùng hoàn toàn…, sản phẩm của công ty đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000.

Ông Dũng cũng cho biết, sau khi vận hành ổn định, mô hình sẽ đạt công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm. Doanh thu tiêu thụ của DN sẽ đạt trên 152 tỷ đồng/năm, lãi ròng bình quân hàng năm đạt trên 1,809 tỷ đồng và thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 5 năm.

Như vậy, lợi ích về kinh tế mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bông, gạc y tế mang lại cho DN đã được chứng minh một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, mô hình cũng sẽ mang lại những lợi ích xã hội không nhỏ khi tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động địa phương với mức thu nhâp từ 2-3 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình được IPC1 hỗ trợ triển khai từ đầu năm tới nay. Cùng với việc đảm bảo hiệu quả về kinh tế cho đối tượng thụ hưởng, các mô hình đều giúp DN hướng tới sự phát triển bền vững thông qua các yếu tố môi trường, nguyên liệu, tiềm năng thị trường. Như lời ông Nguyễn Toàn Thắng đã khẳng định: “Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 luôn đồng hành cùng DN, không chỉ là việc hỗ trợ máy móc thiết bị mà còn nhiều nội dung khác theo định hướng tạo ra chuỗi giá trị khuyến công, góp phần giúp DN phát triển bền vững…”./.