Thái Bình: Phát triển mới dây chuyền sản xuất sữa gạo và đóng gói màng co tự động
Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức giải thưởng đánh giá rất cao về tính ứng dụng công nghệ và hiệu quả thực tế của công trình; khẳng định đây là lần đầu tiên trên thị trường cơ khí trong nước có sự xuất hiện dây chuyền sản xuất sữa gạo và máy đóng màng co tự động inline do chính người Việt Nam cải tiến, thiết kế, chế tạo tổng thể. Trong đó, dây chuyền sản xuất sữa gạo có công suất 130 triệu lít/năm với các hệ thống máy móc thiết bị: từ rang gạo, nghiền, đường hóa, lọc làm mát, pha chế, đồng hóa, tàng trữ, tiệt trùng đến chiết lon, chiết chai.
Dây chuyền được tích hợp giữa thiết bị nhập khẩu với các thiết bị tự thiết kế chế tạo, thiết bị cải tiến một cách đồng bộ, hiệu quả có chất lượng tốt như hệ thống thiết bị nhập khẩu từ châu Âu nhưng giá thành đầu tư lại rẻ hơn rất nhiều mà vẫn bảo đảm chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong quá trình vận hành, dễ bảo trì, bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Hệ thống dây chuyền sản xuất được điều khiển tự động qua các thiết bị cảm ứng và thiết bị điều khiển PLC của Siemens có chứa các phần mềm được lập trình phù hợp với thiết bị và quy trình sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất được giám sát trực tiếp bởi các kỹ sư chuyên ngành qua hệ thống điều khiển và hệ thống mạng.
Anh Trần Văn Trà cho biết: Điểm nổi bật của dây chuyền là sản xuất sữa trực tiếp từ nguyên liệu hạt gạo. Trong khi đó hiện nay ở Việt Nam chưa có các công ty, nhà máy chuyên chuyển giao công nghệ và chế tạo thiết bị đồng bộ sản xuất sữa gạo, máy đóng màng co tự động inline trên quy mô công nghiệp mà chủ yếu có một số cá nhân sản xuất ra nước gạo rang theo cách truyền thống (không phải sữa gạo) để dùng trong gia đình hoặc nhập khẩu dây chuyền của châu Âu và hỗn hợp tinh chất gạo đã chiết xuất sẵn rồi về pha chế, đóng gói vào bao bì giấy rất tốn kém, chất lượng không ổn định. Do vậy, hàm lượng chất dinh dưỡng của sữa gạo thường ít hơn, không thơm ngon đặc trưng bằng sữa làm trực tiếp từ gạo, giá thành sản xuất cũng cao hơn.
Một ưu điểm nữa trong chuỗi dây chuyền sản xuất sữa gạo trên là anh và các cộng sự đã nghiên cứu chế tạo máy lọc khung bản theo thiết kế riêng để lọc dịch sau khi đường hóa thay vì sử dụng máy ly tâm tốc độ cao nhập khẩu từ các nước châu Âu nên đã giảm 1/10 giá thành đầu tư, nhưng có độ bền cao hơn, chi phí vận hành thấp, ít hỏng hóc, hiệu suất thu hồi cao hơn. Hệ thống đánh tan đường và phụ gia được thiết kế đặc biệt bởi nhiều tầng cánh có các khe đan xen và tốc độ rất cao nên khi hỗn hợp dung dịch được bơm qua sẽ được đồng hóa một cách nhanh chóng. Hệ thống UHT cho nước tráng rửa chai cũng là hệ thống được chế tạo mới với ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm năng lượng, đơn giản, dễ sử dụng và có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Hệ thống dây chuyền cuốn màng co tự động inline có công suất 30.000 sản phẩm/giờ tự động hóa hoàn toàn, có thể đóng gói cho các sản phẩm trong ngành thực phẩm, ngành dược, nông sản, hải sản… với các quy cách đóng gói đẹp, hiện đại và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế song là giá rẻ chỉ bằng 1/4 sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ châu Âu. Mặc dù là hai công trình riêng biệt, mỗi công trình có nhiều công đoạn thiết kế, chế tạo, cải tiến riêng nhưng luôn bảo đảm tính logic, đồng bộ, tạo ra sản phẩm sữa gạo Bibabibo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng.
Dây chuyền sản xuất sữa gạo, máy đóng màng co tự động inline đã được đưa vào ứng dụng thành công tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen không những đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng máy móc thiết bị, chất lượng sản phẩm, độ hao phí… tương đương với hệ thống nhập khẩu từ châu Âu mà còn giảm nhân công, bảo đảm tốt hơn các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, giảm nhiều chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Trong đó, dây chuyền sản xuất sữa gạo tiết kiệm 170 tỷ đồng chi phí đầu tư, mỗi năm tiết kiệm 20,66 tỷ đồng chi phí điện năng, bảo trì máy móc và trả lãi suất ngân hàng; máy đóng màng co tự động inline tiết kiệm 3,1 tỷ đồng chi phí đầu tư và mỗi năm tiết kiệm 541 triệu đồng trả lãi suất ngân hàng, chi phí vận hành, chi phí điện năng.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen Trần Văn Trà cho biết thêm: Với việc nghiên cứu, ứng dụng thành công công trình nghiên cứu dây chuyền sản xuất sữa gạo và máy đóng màng co tự động inline khẳng định các doanh nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong sản xuất, làm chủ khoa học kỹ thuật, giảm bớt sự lệ thuộc vào khoa học kỹ thuật từ nước ngoài. Việc làm này cũng chính là cụ thể hóa mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, đưa Tập đoàn Hương Sen phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Sữa gạo là sản phẩm có tính chất hóa lý đặc biệt, rất nhạy cảm nên được xếp và tốp sản phẩm đồ uống dinh dưỡng khó sản xuất nhất. Song dây chuyền trên đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong sản xuất sữa gạo nên cũng sản xuất được sữa bò, bánh kẹo, thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản… với nhiều loại bao bì đóng gói như chai thủy tinh, chai pet, hộp nhôm, hộp thiếc, bao bì giấy… Thời gian tới, Công ty sẽ ứng dụng dây chuyền sản xuất sữa gạo vào sản xuất các sản phẩm khác như: sữa ngô, sữa bí đỏ, cà phê…