Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:38 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thái Nguyên: Tạo thuận lợi cho các cụm công nghiệp

02/05/2018

Nhiều khó khăn
 
Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ hình thành 35 CCN với tổng diện tích 1.259 ha. 
Đến nay, 11 CCN đã được doanh nghiệp đầu tư; 20 CCN phê duyệt quy hoạch chi tiết; 18 CCN đi vào hoạt động. Quy hoạch được triển khai đã phần nào tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều vướng mắc, tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đã được quy hoạch chi tiết rất thấp, chỉ đạt 39,32%.
 
Nguyên nhân, nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng CCN rất hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào vốn tự có của doanh nghiệp. Trong khi đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn hẹp khiến việc đầu tư hạ tầng đa phần chỉ dừng lại ở khâu lập quy hoạch chi tiết, nhất là đối với các huyện khó khăn.
 
Việc thu hút đầu tư vào các CCN cũng không đồng đều. Với những địa phương có điều kiện thuận lợi, việc thu hút dự án khá dễ dàng: Thành phố Thái Nguyên (26 dự án), thành phố Sông Công (15 dự án), thị xã Phổ Yên (14 dự án). Các huyện còn lại chỉ thu hút từ 4-6 dự án. Riêng địa bàn huyện Định Hoá có 3 CCN nhưng chưa có dự án nào đăng ký. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với CCN cũng chồng chéo, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao. 
 
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc đa đầu mối quản lý CCN dẫn đến sự chồng chéo, không hiệu quả; văn bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong CCN chưa cụ thể, rõ ràng; trình tự thủ tục ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào CCN còn bất cập gây khó cho công tác quản lý CCN. Thêm nữa, phần lớn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN có năng lực tài chính yếu nên chưa tạo được quỹ đất sạch và hoàn chỉnh hạ tầng kịp thời.
 
Giải pháp gỡ khó
 
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên thực hiện ưu tiên về thứ tự phân kỳ, tập trung đầu tư; xây dựng và áp dụng ổn định trong một thời gian dài đơn giá quyền sử dụng đất, miễn giảm thuế sử dụng đất trong CCN để nhà đầu tư yên tâm xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN và hạ giá thành cho thuê lại đất trong CCN. Thực hiện nhất quán cơ chế nhà nước đứng ra thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật để thành lập các CCN, sau đó, giao lại đất sạch cho đơn vị đầu tư quản lý, khai thác. 
 
Sở Công Thương cũng thí điểm giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Sơn Cẩm 2 với diện tích 52ha; tập trung nguồn vốn xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo quỹ đất sạch để di chuyển một số cơ sở sản xuất trong khu dân cư và thu hút đầu tư mới vào CCN này.
 
Sở Công Thương tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thông qua chương trình khuyến công để lập quy hoạch chi tiết cho tất cả đối tượng đầu tư hạ tầng CCN; Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi cho đối tượng đầu tư xây dựng hạ tầng CCN ở địa bàn miền núi, khó khăn...
 
Các CCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện thu hút 80 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 9.556 tỷ đồng, trong đó, 51 dự án đã đi vào hoạt động.