Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:33 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hòa Bình: Khuyến khích phát triển làng nghề

09/01/2018

Xóm Đoàn Kết hiện có 53 hộ làm nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh, có 6 nghệ nhân và 60 thợ kỹ thuật lành nghề. Ngoài ra còn có gần 300 người lao động tham gia sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng – mức thu nhập cao hơn hẳn so với thu nhập bình quân đầu người của xã Lâm Sơn (khoảng 26 triệu đồng/người /năm vào cuối năm 2016).
 
Để được công nhận là làng nghề, các hộ làm nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh của xóm Đoàn Kết cùng thực hiện hành trình đầy tâm huyết về ý thức phát triển làng nghề. Sau bao nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, xóm đã đáp ứng đủ các tiêu chí: tỷ lệ hộ làm nghề chiếm 34% tổng số hộ trong xóm; thu nhập từ ngành nghề trong 2 năm gần đây chiếm lần lượt 78,9% và 74,4% tổng thu nhập của xóm; hoạt động nghề chấp hành tốt các quy định của pháp luật...
 
 Được biết, Đoàn Kết là làng nghề mới nhất được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 6 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm 2 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó đã có một số ngành nghề, cơ sở sản xuất được xác định là hạt nhân cho việc mở rộng và phát triển thành làng nghề và làng nghề truyền thống trong những năm tới đây. Điển hình như nghề dệt thổ cẩm ở Mai Châu, Tân Lạc với hoạt động hiệu quả của các HTX, các cơ sở sản xuất rượu cần ở thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Sơn, nghề sản xuất mây tre đan tại xóm Gò Mé, nghề chế tác đá cảnh ở một số xã thuộc huyện Lạc Thủy.