Đà Nẵng: Ban hành chương trình Khuyến công trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020
01/09/2017
Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo khoảng 400-600 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, hỗ trợ khoảng 300 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 7-9 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 50-60 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, chương trình sẽ hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho khoảng 20 đơn vị; xây dựng 5-6 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tư vấn cho khoảng 30-35 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thành lập khoảng 20 doanh nghiệp, thành lập 1-2 hiệp hội ngành nghề; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ sữa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, tổ chức 2 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và đề cử tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia; tổ chức 2 lượt Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tổ chức 20 đoàn tham gia hội chợ triển lãm trong nước lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Hoạt động của chương trình bao gồm 9 nội dung chính: hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thuộc Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cung cấp thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các cụm công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
UBND thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình Khuyến công thành phố giai đoạn 2017-2020, có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình; rà soát các cơ chế, chính sách, đề xuất UBND thành phố sửa đối, bổ sung, ban hành cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động khuyến công; đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra hoạt động khuyến công trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố về các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện đề án khuyến công.
UBND thành phố cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Công thương, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tránh trùng lắp, chồng chéo. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận hoạt động chuyển giao công nghệ từ các đề tài, dự án đã nghiên cứu để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm phát triển sản xuât công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương lồng ghép các chương trình, chính sách liên quan phát triển nông thôn mới hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Các sở, ban, ngành liên quan khác căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Công thương thực hiện Chương trình; đồng thời, lồng ghép các chương trình, chính sách liên quan với Chương trình khuyến công để triển khai thực hiện.