Long An: Hiến kế nâng 'chất' khuyến công
25/08/2017
Nhiều trở ngại
Theo số liệu từ Sở Công Thương Long An, giai đoạn 2006-2016, tỉnh đã triển khai 38 đề án khuyến công quốc gia và 115 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 22,68 tỷ đồng. Năm 2017, Sở Công Thương được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí khuyến công địa phương đợt I trên 668 triệu đồng thực hiện 8 đề án, trong đó có 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Long An, thông qua các đề án đã triển khai, nhiều cơ sở CNNT đã tiếp cận được một phần nguồn vốn đầu tư cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường... Tuy nhiên, công tác khuyến công của Long An vẫn gặp nhiều trở ngại: Có đề án thay đổi thiết bị, nội dung trong quá trình thực hiện, cá biệt một số đề án phải ngừng triển khai; một số nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể như: Định mức hỗ trợ, trình tự thủ tục trong xây dựng mô hình và ứng dụng máy móc trong hoạt động sản xuất sạch hơn; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở CNNT, cụm công nghiệp... đã làm mất cân đối nhiệm vụ và chưa thực hiện đồng bộ các nội dung khuyến công. Đặc biệt, định mức hỗ trợ thấp, không đủ khuyến khích các cơ sở tiếp cận và thụ hưởng chính sách khuyến công. Nói về nguyên nhân của những khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương Long An cho rằng: Các văn bản chính sách trong lĩnh vực khuyến công mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Công tác khảo sát nhu cầu cũng như tiếp cận các cơ sở CNNT còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thiếu. Đa phần các cơ sở CNNT chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất...
Đề xuất giải pháp
Nhằm khắc phục những tồn tại này, Sở Công Thương Long An đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công. Theo đó, tỉnh hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Riêng với công tác rà soát sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Sở kiến nghị Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng mở rộng và tăng định mức hỗ trợ, đặc biệt cho các đề án như: Xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở, cụm công nghiệp; xem xét ứng dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại đã qua sử dụng nhưng phù hợp với nhu cầu của các cơ sở. Bên cạnh đó, cần tăng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, giao cho các địa phương hàng năm nhằm tăng sức lan tỏa của chính sách, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An đề nghị Cục Công nghiệp địa phương xem xét, điều chỉnh giảm thời gian thẩm định các đề án khuyến công quốc gia, từ 9 tháng xuống còn 5 tháng để có thêm thời gian triển khai thực hiện. |