Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:34 GMT+7

Sản xuất bền vững

Khuyến công Bình Phước: ​Dấu ấn 10 năm

03/04/2017

Những con số ấn tượng


Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn này đạt trên 18,907 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia trên 5 tỷ đồng, khuyến công địa phương 13,841 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn kinh phí này đã thu hút khoảng 113,7 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.


Từ nguồn vốn hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước (trung tâm) đã thực hiện 174 đề án khuyến công, 40 đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hàng loạt chương trình đã được triển khai như: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý…


Đặc biệt, trung tâm đã hỗ trợ 53 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, 10 cơ sở xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Đây là nội dung chiếm phần lớn kinh phí hỗ trợ với 8,693 tỷ đồng, cũng là nội dung thu hút nhiều nhất vốn đối ứng. Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai có hiệu quả dịch vụ tư vấn với doanh thu 2,6 tỷ đồng, qua đó giảm bớt gánh nặng chi phí tự chủ cho đơn vị và tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức.


Theo đánh giá từ Sở Công Thương Bình Phước, nội dung khuyến công giai đoạn vừa qua đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung hỗ trợ luôn gắn với nhu cầu thực tế của cơ sở. Các doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thêm thị trường. Nhiều hộ kinh doanh sau khi được tư vấn, hỗ trợ của khuyến công đã thành lập doanh nghiệp.


Nhờ phát huy hiệu quả Chương trình khuyến công CNNT ngày càng phát triển, giá trị sản xuất CNNT của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân tăng 16,36%/năm, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. CNNT cũng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, số lượng hàng hóa sản xuất ra ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, Bình Phước đã huy động được nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện công tác khuyến công, tiết kiệm năng lượng.


Triển khai đồng bộ các đề án


Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bình Phước, việc xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án khuyến công quốc gia về hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn. Do công tác xây dựng kế hoạch được thực hiện vào tháng 6 của năm trước, trong khi đó, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, thường không có kế hoạch dài hạn nên dễ xảy ra biến động trong quá trình đầu tư. 


Ngoài ra, nguồn nhân lực làm công tác khuyến công còn thiếu, chưa đáp ứng đủ so với thực tế, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, chưa có mạng lưới khuyến công viên nên gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện.


Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, khuyến công Bình Phước tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ có sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng sẽ chủ động xây dựng các đề án mang tính đồng bộ và phối hợp với các chương trình khác; đặc biệt, ưu tiên đối với các xã xây dựng nông thôn mới, cơ sở CNNT ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở sản xuất ra sản phẩm có lợi thế, chủ lực của tinh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn khuyến công, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Chủ động đào tạo năng lực bộ máy làm công tác khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp. Huy động mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.

 

Năm 2017, khuyến công Bình Phước được phê duyệt 25 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện 3,65 tỷ đồng, trong đó xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là một trong những nội dung được ưu tiên thực hiện. 


Theo Báo Công Thương điện tử