Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:16 GMT+7

Sản xuất bền vững

Khuyến công Quảng Bình: Tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn

14/07/2017

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Trung tâm) đã thực hiện điều tra, khảo sát 150 cơ sở CNNT được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công giai đoạn 2011-2015. Kết quả cho thấy, có 146 cơ sở đang hoạt động tốt, 2 cơ sở đang tái cơ cấu. Sau khi được hỗ trợ các cơ sở có sự chuyển biến tích cực, các chỉ số lao động, thu nhập bình quân và mức đầu tư đều có sự gia tăng so với thời điểm trước khi được nhận hỗ trợ.

Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của cơ sở CNNT còn do các đề án khuyến công được thực hiện trên cơ sở khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng. Trung tâm luôn bám sát, định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải, khai thác được lợi thế của địa phương. Các thiết bị, công nghệ được chuyển giao phù hợp với khả năng tiếp nhận, tránh lãng phí cho đối tượng thụ hưởng.


Cụ thể, Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Ngọc Thủy được Trung tâm hỗ trợ 250 triệu đồng thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm thanh tựa ghế văn phòng xuất khẩu từ gỗ cao su”. Sau khi dây chuyền sản xuất với hệ thống lò sấy gỗ công suất 300.000 sản phẩm/năm đi vào vận hành ổn định đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận.

Thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than chuông” Công ty CP Tân Hoàn Cầu đã liên kết với Công ty TNHH sản xuất – xuất nhập khẩu Ánh Lửa Việt tiếp cận, ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để sản xuất, cung ứng than chuông ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Sau  thời gian triển khai thực hiện, Công ty CP Tân Hoàn Cầu đã chính thức đưa dây chuyền sản xuất than chuông vào vận hành chạy thử và đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện hệ thống thiết bị đã phát huy tốt hiệu quả, dự kiến giúp doanh nghiệp hoàn vốn sau thời gian 7 năm.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng sản xuất qua đó thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định về nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại.Theo đó, trên nguyên tắc ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nhiều lao động…; hỗ trợ doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề, mức hỗ trợ tối đa 60% chi phí nhưng không quá 45 triệu đồng/lớp; hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị mới, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tối đa 50% tổng giá trị thiết bị, không quá 150 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tối đa 30% chi phí, không quá 300 triệu đồng/mô hình… Ngoài ra, Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT, tối đa 50% chi phí, không quá 35 triệu đồng/thương hiệu; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp; bảo vệ môi trường và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển năng lượng mới; …

Tỉnh cũng dành kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ về thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, trong đó ưu tiên tổ chức phiên chợ hàng Việt đến khu vực nông thôn, miền núi; hội chợ triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước…

Với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, Quảng Bình đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất qua đó thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển.

Theo SCP NEWS