Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:46 GMT+7

Sản xuất bền vững

Ứng dụng công nghệ xanh: Dấu ấn ngành Công Thương

02/06/2017

Doanh nghiệp là tiên phong

Đã có hơn 60 DN tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình biểu dương “Doanh nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng bền vững quốc gia năm 2017”, vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đây là những DN do Sở TN&MT các địa phương lựa chọn vì đã tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có nhiều DN thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng đã đầu tư đổi mới công nghệ với quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, từ đó góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất.

Phát biểu tại lễ biểu dương, bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Thứ trưởng Bộ TN&MT- nhấn mạnh: Chương trình biểu dương này nhằm tuyên truyền, khuyến khích các DN tăng cường ứng dụng KH&CN thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tại buổi gặp mặt các DN được tôn vinh lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: DN là người tiên phong trong việc tạo ra sản phẩm xã hội, áp dụng các công nghệ mới, đổi mới quản lý, sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng chất lượng, thân thiện với môi trường... Vì vậy, Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN cùng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp ngành Công Thương được vinh danh


Trong số hơn 60 DN được vinh danh lần này, ngành Công Thương chiếm tỷ lệ lớn. Cụ thể như Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển, đã có những giải pháp khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ mới do công ty nghiên cứu đưa vào sản xuất giúp giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng, sử dụng nguyên liệu dưới cỡ để giảm ô nhiễm môi trường. Hay Nhà máy Đạm Phú Mỹ, với hệ thống thu hồi khí CO2, nâng công suất nhà máy từ 740.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có 4 hạng mục chính xử lý và bảo vệ môi trường: Thiết bị tách bụi tĩnh điện - phân xưởng Cracking xúc tác 1 tầng sôi, phân xưởng thu hồi lưu huỳnh, phân xưởng thu hồi lưu huỳnh bổ sung và hệ thống xử lý nước thải. Các hạng mục này đều được áp dụng công nghệ hiện đại và đang vận hành an toàn theo đúng quy chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Còn nhiều tên DN khác của ngành Công Thương như: Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao… được vinh danh đợt này.

Tại buổi tiếp kiến với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện các DN được tôn vinh kiến nghị: Chính phủ cần quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để DN có lộ trình triển khai thực hiện; các quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích DN ứng dụng KH&CN; xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp…