Nhà máy Xi măng Lưu Xá là một trong những điển hình tiêu biểu về sản xuất sạch hơn (SXSH) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bằng các giải pháp đầu tư, nhiều DN trên địa bàn Thái Nguyên đã thu được những hiệu quả lớn từ SXSH. Thái Nguyên cũng được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt nhất hoạt động này.
Là một trong những tỉnh tập trung nhiều DN sản xuất công nghiệp trọng điểm, bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế, Thái Nguyên phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường. Vì lẽ đó, theo Sở Công Thương Thái Nguyên, thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp, từ năm 2006 đến nay, Thái Nguyên đã triển khai các dự án SXSH và nhiều DN được hưởng lợi lớn từ hoạt động này.
Đơn cử như Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, trước khi tiến hành các giải pháp SXSH, vấn đề môi trường lớn nhất mà công ty gặp phải là nước thải phát sinh từ khâu ngâm ủ mành tre theo công nghệ kiềm lạnh, khâu xeo và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng, sân phơi. Nước thải của công ty có màu đen đặc, vàng đậm, lẫn rất nhiều xơ sợi, bột giấy, dầu mỡ, tạp chất vô cơ, có mùi khó chịu. Chính vì những tồn tại này mà công ty đã có lần bị rơi vào “danh sách đen” về môi trường của tỉnh, khiến cho uy tín giảm sút. Công ty đã quyết định áp dụng các giải pháp SXSH. Cụ thể, bằng các phương án như xây dựng bể lắng để thu hồi bột giấy và tuần hoàn nước thải; Đầu tư bổ sung hệ thống nước tuyển nổi… với tổng vốn đầu tư khoảng trên 2,5 tỷ đồng. Kể từ đây, mỗi năm, công ty giảm thải 125 tấn CO2; 114.400 m3 nước thải, chính thức ra khỏi danh sách DN gây ô nhiễm, phải di dời của Chính phủ. Hơn thế còn tiết kiệm được trên 1,5 tỷ đồng/năm nhờ giảm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí xử lý môi trường….
Tương tự như vậy, trước khi thực hiện các giải pháp SXSH, Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên cũng gặp phải nhiều vấn đề về môi trường. Cụ thể, thiết bị chính được sử dụng tại công ty là các máy nghiền phụ gia xi măng (nghiền bi theo chu trình hở, đập hàm) và dây chuyền xeo tấm ướt tạo sóng thủ công theo công nghệ cũ rất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhân công lao động, phát sinh lượng lớn bụi và chất thải ra môi trường…. Công ty đã tiến hành thực hiện SXSH với 18 giải pháp quản lý nội vi, 3 giải pháp kiểm soát quá trình, 1 giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước. Đặc biệt, giải pháp “Nâng cấp hệ thống nghiền xi măng” đã mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường cho công ty. Với tổng vốn đầu tư 110 triệu đồng cho các giải pháp, hiệu quả SXSH mang lại cho công ty là tiết kiệm được 114 triệu đồng/năm nhờ giảm lượng nước tiêu thụ từ 12.000 m3/tháng xuống còn 7.500 m3/tháng; Giảm mức tiêu thụ điện trung bình khoảng 186 kWh/ngày. Lượng bụi giảm, điều kiện và môi trường làm việc của người lao động được cải thiện đáng kể.
Lý giải nguyên nhân khiến hoạt động SXSH được thể hiện rộng khắp và mang lại nhiều hiệu quả như vậy cho Thái Nguyên, ông Đinh Khắc Hiển – Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, nhằm cụ thể hóa Chiến lược SXSH trong công nghiệp, Thái Nguyên đã tiến hành song song nhiều bước, đầu tiên là hoàn thiện các văn bản, sau đó tăng cường kinh phí địa phương hàng năm cho hoạt động SXSH. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường hoạt động tư vấn kỹ thuật, tranh thủ các chương trình để giúp DN thực hiện SXSH. Hoạt động SXSH cũng được đưa vào các quy hoạch môi trường, thanh tra và kiểm tra, vào giáo dục và hoạt động của các hiệp hội. Những dự án thành công được đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông….
Năng lực của cán bộ cũng không ngừng được tăng lên nhờ các khóa đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực về SXSH. Các giải pháp đồng bộ vế SXSH đã giúp nhiều DN trên địa bàn Thái Nguyên đạt được những hiệu quả lớn cả về môi trường và kinh tế, giúp môi trường công nghiệp của Thái Nguyên được cải thiện rõ nét./.