Nhiệm kỳ 2013- 2018, toàn tỉnh có 4 tác giả được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, 35 đề tài đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa; 10.398 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và sáng kiến, cải tiến cấp cơ sở…
Xin giới thiệu 4 tấm gương điển hình lao động sáng tạo.
Giải pháp “Cải tiến, ứng dụng công nghệ chế biến gạo 72 giờ”
Là chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh chế biến gạo ở một tỉnh trung tâm vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV- Vĩnh Long- nhận thấy quy trình sản xuất gạo dù đã qua nhiều lần cải tiến vẫn còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ thu hồi thành phẩm chưa cao (từ 61- 65%), gạo bị gãy nhiều và còn lẫn hạt có màu; thời gian bảo quản ngắn và còn bị sâu mọt khi chứa trong kho bảo quản, sử dụng hóa chất để hun diệt côn trùng… phần nào ảnh hưởng chất lượng gạo và chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Do vậy, ông đã nghiên cứu tiếp tục đổi mới quy trình công nghệ và đầu tư thêm máy móc để khắc phục những nhược điểm trên với giải pháp “Cải tiến, ứng dụng công nghệ chế biến gạo 72 giờ”.
Cụ thể là: trang bị hệ thống cysclone ủ nguội theo công nghệ mới, sử dụng không khí đối lưu và ủ nguội giữa công đoạn xay xát và lau bóng, giúp tỷ lệ thu hồi gạo qua chế biến đạt từ 67- 70% (tăng so trước 5%), tạo độ đồng đều về chất lượng gạo; thời gian tồn trữ, bảo quản từ 6- 12 tháng;
hệ thống thiết bị hút mối, mọt, trứng mọt thay cho hóa chất, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặt khác, cải tiến trên còn góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp.
Với giải pháp đổi mới và đầu tư trên, cho phép một dây chuyền chế biến gạo đạt năng suất 200 tấn/ngày; tức với 4 dây chuyền hiện tại của công ty sẽ cho ra 800 tấn gạo/ngày; giúp khu vực ĐBSCL đạt sản lượng hàng năm 16 triệu tấn gạo.
Nếu nhân rộng áp dụng công nghệ mới vào tất cả các doanh nghiệp chế biến gạo trong vùng, thị trường gạo Việt Nam sẽ có thêm 800.000 tấn gạo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng hóa chất, không nhiễm chì, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn gạo xuất khẩu vào các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao.
Hiện tại, sản phẩm gạo của công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường với các thương hiệu: Tài Nguyên, 68 Thơm, Thơm Jasmin, Thơm Lài…
Giải pháp của ông không chỉ đạt bằng lao động sáng tạo mà còn đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2016- 2017, góp phần làm lợi cho công ty trên 6 tỷ đồng.
Giải pháp “Chế tạo mô hình dây chuyền chế biến gạo phục vụ cho việc giảng dạy”
Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy khi sinh viên học đến nội dung tìm hiểu về thiết bị xay xát gạo tốn kém rất nhiều thời gian, chi phí đi lại do phải trực tiếp đến các công ty, xí nghiệp chế biến gạo để tham khảo, quy trình lại khó hiểu, đó là chưa kể đến việc công ty, xí nghiệp phải sắp xếp thời gian bố trí cho các em đến tìm hiểu, học tập.
Thầy Đặng Văn Hồng- Phó trưởng Khoa Kỹ thuật- Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long đã nghiên cứu và chế tạo ra mô hình lau bóng gạo nhằm giảm đầu tư mua trang thiết bị học tập cho học sinh ngành chế biến lương thực và không chịu ảnh hưởng phụ thuộc vào kế hoạch làm việc của công ty, xí nghiệp chế biến gạo.
Mô hình của thầy Hồng dựa trên thực tế dây chuyền sản xuất hiện tại của các công ty, xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là dây chuyền chế biến gạo của Công ty Lương thực- Thực phẩm Cổ Chiên được thu nhỏ theo tỷ lệ 1/100; vị trí các thiết bị trên mô hình cũng là vị trí các thiết bị có trong thực tế; phần điều khiển hoạt động của mô hình được lập trình sẵn và tích hợp điện điều khiển đạt yêu cầu kỹ thuật.
Một phần quan trọng của mô hình là việc lắp ráp tụ điện điều khiển đèn led thể hiện đường đi của nguyên liệu một cách hợp lý nhất, an toàn nhất và đạt thẩm mỹ cao. Khi nguyên liệu đến bộ phận nào trong nhà máy, chỉ cần bật công tắc điện thì đèn led sẽ chớp tắt một cách hợp lý rõ ràng, giúp sinh viên học tập hứng thú, giáo viên chủ động thao tác bài giảng khi giảng dạy.
Dựa vào mô hình, sinh viên có thể nghiên cứu sâu rộng hơn về các thiết bị chế biến gạo, tìm ra điểm mạnh, yếu trong quy trình chế biến gạo để khắc phục các nhược điểm mà quy trình công ty, xí nghiệp hiện có, góp phần đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra của công ty, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng.
Mô hình của thầy Hồng đã đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần V, năm 2014- 2015, có thể nhân rộng ra phục vụ cho việc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp và cơ sở dạy nghề.
Giải pháp “Ứng dụng quy trình sản xuất quả thể nấm thảo dược cordyceps militaris link trên nguồn cơ chất hữu cơ quy mô công nghiệp có giá trị thương mại cao”
Những năm gần đây, các loại nấm được người tiêu dùng quan tâm như một loại thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe con người. Không chỉ người tiêu dùng quan tâm, nấm còn được các nhà nghiên cứu y dược học hết sức chú ý vì tính đa dạng về các hợp chất sinh học.
Nấm đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris) thuộc ngành phụ nấm túi được coi là một dược liệu truyền thống quan trọng để điều trị các bệnh nan y như: rối loạn lipit máu, viêm phế quản mạn, hen phế quản, viêm thận mạn tính, suy thận, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mạn tính… đặc biệt là rối loạn miễn dịch và hỗ trợ điều trị ung thư.
Trước nhu cầu trên và với giá trị thương mại ngày càng tăng của nấm đông trùng hạ thảo, từ năm 2013, cô Trần Thanh Thy- giảng viên bộ môn Nông học và Công nghệ- Trường ĐH Cửu Long đã cùng với đồng nghiệp có nhiều thí nghiệm xác định thành phần cơ chất hữu cơ từ các nguyên liệu có sẵn để hoàn thiện quy trình sản xuất nấm thảo dược quý này, đạt năng suất quy mô công nghiệp và xác định được rõ ràng thành phần và hàm lượng carbon higrogen, để công bố hoàn hảo mà trước đó một nhóm nghiên cứu chưa thể công bố.
Sau nghiên cứu thành công, quy trình sản xuất quả thể nấm đã được chuyển giao cho 2 cơ sở sản xuất tư nhân (Công ty Sản xuất nấm dược liệu Bio Hope Hậu Giang và 1 cơ sở sản xuất tư nhân tại Cần Thơ) áp dụng và thực nghiệm sản xuất tại Trường ĐH Cửu Long.
Tương lai sẽ được ứng dụng rộng rãi cho những đơn vị có nhu cầu sản xuất kinh doanh quy mô công nghiệp hay bán công nghiệp, đảm bảo đem lại thu nhập, lợi nhuận cao, góp phần cải thiện thu nhập, đi đến làm giàu cho người muốn sản xuất mô hình sản xuất quả thể nấm đông trùng hạ thảo.
Với tính hiệu quả trên, giải pháp của cô Thanh Thy đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần VI, năm 2016- 2017.
Giải pháp “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo và thử nghiệm bộ tiết kiệm xăng trên xe máy” (gọi tắt là TKX)
Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng bằng sự đam mê sáng tạo, ông Đặng Hoàng Sơn- Giám đốc Công ty TNHH 1TV SXTM Hoàng Sơn đã sáng chế thành công thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ xe máy.
Sáng chế của ông vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo trong năm 2017.
Khoảng năm 2003, thời điểm nhiều cửa hàng kinh doanh xe gắn máy cũ phát triển nhưng không ít khách hàng lại than chuyện xe chạy hao xăng, dù nhiều lần đã mang xe đến những thợ giỏi chỉnh sửa.
Từ đó, ông có ý tưởng tạo ra một sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ. Sau hơn 10 năm nghiên cứu và cải tiến, đến năm 2015, sản phẩm TKX của ông Sơn đã hoàn thiện và đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa của tỉnh.
Năm 2017, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ với đánh giá hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội: Bộ TKX giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ từ 12- 22%; giảm lượng khí thải CO (Carbon Monoxide) từ 13- 85%, HC (Hydro Carbon) từ 4- 59%.
Thông qua hệ thống thương mại điện tử, từ tháng 6/2015- 6/2016, công ty ông đã bán được 5.107 bộ TKX cho khách hàng 44 tỉnh- thành trên cả nước và được đánh giá đạt hiệu quả TKX như cam kết.
Về mặt xã hội, sáng chế của ông đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 15 nhân viên của công ty và hàng trăm lao động các ngành nghề có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.