Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 14:10 GMT+7

Tin hoạt động

Một số giải pháp SXSH tại công ty TNHH Cơ khí mạ Thiên Đông

15/12/2017

Công ty TNHH Cơ khí mạ Thiên Đông hiện có 02 dây chuyền mạ: Dây chuyền mạ kẽm treo và Dây chuyền mạ kẽm quay. Sản phẩm của công ty gồm nhiều chủng loại khác nhau, tất cả sản phẩm đều được quy đổi về diện tích bề mặt mạ. Các nguyên nhiên liệu đầu vào chính trong quá trình mạ là nước, điện, và nhiều loại hóa chất khác nhau như H2SO4, Na3PO4, Na2CO3, NaC, NaOH, Zn, HCl, AZA, AZB…Chính vì sử dụng rất nhiều loại hóa chất khác nhau dẫn đến vấn đề môi trường chung của ngành mạ: tất cả hóa chất sử dụng sẽ có mặt trong nước thải. Đặc biệt, Công ty có sử dụng hóa chất xyanua có độc tính rất cao. Định mức tiêu thụ hóa chất của Công ty được đánh giá cao so với định mức tiêu thụ hóa chất trong ngành mạ điện khoảng 15-20%.

Xem xét về dòng thải của Công ty cho thấy, chất thải rắn bao gồm nhiều loại tùy theo sản phẩm gia công, tuy nhiên chủ yếu là phoi sắt, bụi sắt do gia công mài. Tuy nhiên lượng này nhỏ, hiện đang được thu hồi và bán phế liệu. Ngoài ra, có một ít bùn mạ kẽm được lưu trữ trong công ty.

Về chất thải khí, khí thải của công ty là hơi và mù axit tại bước tẩy gỉ, các bể mạ…Hơi và mù có thể chứa kim loại nặng và các hóa chất có trong bể mạ. Các khí thải này đều thải trực tiếp vào môi trường mà không có xử lý.

Về dòng thải lỏng, hàng ngày hoạt động sản xuất của Công ty thải ra 200-205 m3 nước thải chứa các kim loại nặng Cu, Fe, Cr, Zn; phức chất Xyanua do quá trình mạ kẽm theo công nghệ xyanua; các chất hữu cơ sau khi tẩy rửa bề mặt trước khi mạ; các loại axit và kiềm. 

Sau khi xác định được các dòng thải, chuyên gia tư vấn đã tiến hành phân tích các nguyên nhân của việc lượng chất thải còn lớn, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu và hàm lượng chất độc hại còn cao, từ đó đề xuất một số giải pháp SXSH để khắc phục. Một số vấn đề và giải pháp như sau:

  • Lượng nước thải cao do sử dụng công nghệ rửa xuôi chiều, các van xả nước nhiều và chưa được khống chế lưu lượng nước vào bể, nước còn rỏ rỉ tại một số vị trí. Để khắc phục, cần thay đổi sang công nghệ rửa 3 bậc ngược chiều, điều chỉnh các van xả nước theo đúng yêu cầu công nghệ và bịt lại các vị trí rò rỉ nước.
  • Nước thải chứa cyanua rất độc hại do sử dụng công nghệ mạ kẽm cyanua. Công ty nên thay đổi sang công nghệ mạ kẽm kiềm.
  • Tỷ lệ sản phẩm hỏng cao do chưa tốt trong kiểm soát quá trình, do chất lượng nước cấp chưa cao và công nhân thao tác sai. Giải pháp đưa ra là xây dựng một quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng chung cho toàn Công ty. Bên cạnh đó, cần đào tạo tay nghề cho công nhân và có cơ chế thưởng phạt cho từng bộ phận và xử lý nước cấp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật
  • Tổn thất năng lượng khá cao do sử dụng đèn chiếu sáng T10, giải pháp đưa ra là thay thế đèn T10 bằng đèn T8 hoặc lắp đặt các tấm hứng sáng để tận dụng ánh sáng mặt trời. 

Sau khi đánh giá tính khả thi về kỹ thuật và môi trường của các giải pháp, có 2 giải pháp được đánh giá cao và có thể thực hiện ngay như sau:

1. Thay đổi sang công nghệ rửa 3 bậc ngược chiều

Với công nghệ rửa xuôi chiều lượng nước tiêu thụ lớn, hiệu quả rửa không cao, lượng nước thải phát sinh nhiều nên tốn chi phí. Việc thay thế bằng công nghệ rửa ngược chiều sẽ giúp giảm lượng nước tiêu thụ, từ đó lượng nước thải phát sinh ít hơn. Chi phí đầu tư cho hệ thống gồm đường ống cấp nước và van khoảng 20 triệu đồng trong khi tiết kiệm được khoảng 15% nước rửa tương đương khoảng 8.000 m3 nước mỗi năm, tương đương tiết kiệm được 40 triệu đồng hàng năm. Đây được xem là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện.

Hình 1: Công nghệ rửa xuôi chiều

Hình 2: Công nghệ rửa ngược chiều

2. Thay công nghệ mạ kẽm xyanua bằng công nghệ mạ kẽm kiềm

Hiện nay công ty đang sử dụng dây chuyền mạ khá thủ công và sử dụng NaCN nên nước thải có độc tính cao, chất lượng sản phẩm không ổn định, nguy cơ rủi ro và ảnh hưởng tới dức khỏe người lao động. Do đó, công ty đã cải tạo dây chuyền mạ kẽm treo có sử dụng cyanua bằng công nghệ mạ kẽm kiềm. Nhà máy có thể tận dụng lại dây chuyền cũ nên chi phí đầu tư không lớn và ước tính khoảng 200 triệu đồng. Lợi ích kinh tế ước tính thu được từ việc giảm tiêu thụ hóa chất NaCN là khoảng 150 triệu/năm với công suất dây chuyền mạ là 12.000.000dm2/năm. Thời gian thu hồi vốn giản đơn là 200/150=1,33 năm.Giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải và giảm tác động tiêu cực từ sử dụng NaCN.

Một số hình ảnh tại Công ty TNHH Cơ khí mạ Thiên Đông

 

 

 Văn phòng CPSI