Báo cáo “Hành động đối với chất lượng không khí”, được đưa ra tại Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) lần thứ hai bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, đã nhận thấy có nhiều cải tiến trong các lĩnh vực, chẳng hạn như sử dụng nhiên liệu và dụng cụ nấu ăn sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo,…
Theo báo cáo, 97 quốc gia đã tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhiên liệu đốt sạch hơn đến hơn 85 phần trăm. Đây là một động thái quan trọng để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.
Trong tổng số 194 quốc gia được phân tích, hơn 82 quốc gia đã có các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy đầu tư vào những ngành sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, hiệu quả năng lượng và các thiết bị kiểm soát ô nhiễm.
Một báo cáo khác, “Đánh giá kiểm soát ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh: 1998-2013”, phân tích về các biện pháp đã được thực hiện kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí, đã cho thấy rằng nồng độ của nhiều chất ô nhiễm độc hại đang có xu hướng giảm đáng kể.
Công trình phân tích Bắc Kinh, thực hiện bởi UNEP và Cục Bảo vệ Môi trường Thành phố Bắc Kinh, đã cho thấy rằng mức độ khí CO và lưu huỳnh hiện đang nằm dưới mức cho phép của Tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia của Trung Quốc, trong khi NO2 cũng đang xuống thấp đến gần mức tiêu chuẩn.
Sự giảm tiêu thụ than trong lĩnh vực năng lượng và giảm khí thải từ các phương tiện giao thông đã góp phần thúc đẩy xu hướng trên.
Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm soát khí thải không gây ấn tượng lắm khi mà chỉ có 29% các quốc gia áp dụng Tiêu chuẩn khí thải châu Âu 4. Theo báo cáo, các chính sách và tiêu chuẩn về nhiên liệu và phương tiện sạch có thể giúp cắt giảm khí thải lên tới 90%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu tăng 8% giữa năm 2008 và 2013. Tại các khu vực đô thị được theo dõi mức độ ô nhiễm không khí, hơn 80% người dân đang phải sống trong một bầu không khí có nhiều chất độc hại vượt quá ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới, đe dọa đến đời sống xã hội và kinh tế.
Trong lĩnh vực môi trường, những quyết định của UNEA là có ảnh hưởng lớn nhất. Chính họ đã có công giải quyết một vài trong số những vấn đề môi trường cấp bách và quan trọng nhất hiện nay.
Thu hút hàng trăm nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và đại diện của các tổ chức liên chính phủ và các cộng đồng, UNEA-2 là một trong những hội nghị lớn đầu tiên được tổ chức kể từ khi Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững và Thỏa thuận Khí hậu Paris được thông qua.
Văn phòng CPSI