Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, tỉnh có nhiều lâm sản, nhất là tre luồng nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn đều dùng công nghệ lạc hậu sơ chế, băm dăm nên giá trị sản phẩm không cao. Những năm qua khuyến công Thanh Hóa tập trung hỗ trợ cho các cơ sở này đổi mới công nghệ, ứng dụng thiết bị mới vào sản xuất. Cũng theo ông Hân, hàng năm, Thanh Hóa được bố trí từ 5 - 7 tỷ đồng cho công tác khuyến công, bao gồm cả khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.
Để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp (CCN), tạo mặt bằng sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, Thanh Hóa đã xây dựng mức hỗ trợ cho đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 11/2016. “Tỉnh không hạn chế số lượng CCN, tuy nhiên phải có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm mới được hỗ trợ” - ông Hân nói.
Tuy nhiên, để công tác khuyến công và ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh thuận lợi hơn nữa trong quá trình phát triển, ông Lê Trọng Hân cũng đề nghị: Cục Công nghiệp địa phương mở rộng quy định tiêu chuẩn xét duyệt đề án khuyến công quốc gia cho 2 nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất cho các cơ sở đã đầu tư thiết bị và vận hành vào năm kế hoạch. Nâng mức chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cao hơn mức 2,5% như hiện nay.
Trước những đề xuất trên, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Về việc nâng mức chi cho hoạt động thường xuyên của khuyến công, Bộ Công Thương đã gửi văn bản sang Bộ Tài chính đề nghị xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Với đề xuất hỗ trợ sau đầu tư cho cơ sở, Cục đang nghiên cứu, tuy nhiên với các đề án đã xây dựng từ đầu năm, hiện phải điều chỉnh vẫn kịp thời gian đề nghị Thanh Hóa nhanh chóng gửi hồ sơ về Cục để sớm thẩm định và triển khai.
Văn phòng CPSI