Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Quốc Phòng để đánh giá tình hình triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Theo báo cáo, 03 Chương trình quốc gia (Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2010. Đến năm 2013, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành có liên quan về cơ bản đã xây dựng xong cơ sở pháp lý quy định việc triển khai và quản lý Chương trình, bắt đầu đưa vào thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên.
Về việc triển khai, trong năm 2016, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành được giao quản lý 03 Chương trình quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Quốc Phòng) đã tích cực chủ động phối hợp để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc 03 Chương trình quốc gia.
Một trong những điểm quan trọng khi triển khai 03 Chương trình quốc gia là lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng khoa học và công nghệ; tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư “tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia.
Tính đến tháng 10 năm 2016, các Bộ, ngành có liên quan đã xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí cho 69 nhiệm vụ thuộc 03 Chương trình quốc gia, trong đó có 62 nhiệm vụ đã được ký Hợp đồng thực hiện. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia làm đơn vị chủ trì nhiệm vụ thuộc 03 Chương trình quốc gia chiếm hơn 50%; kinh phí đối ứng đầu tư từ các doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ nêu trên chiếm 75% tổng kinh phí của nhiệm vụ.
Trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đã có nhiều nhiệm vụ đươc triển khai và thu kết quả cao như: Sản phẩm quốc gia “Vắc – xin phòng bệnh cho vật nuôi”; Sản phẩm quốc gia “Vắc – xin phòng bệnh cho người”; Sản phẩm quốc gia “Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn”; Sản phẩm quốc gia “Giàn khoan dầu khí di động”; Sản phẩm quốc gia “Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao”…
Trong Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cũng đã triển khai được nhiều nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi. Các đề tài, dự án được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung của chương trình và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, trong công tác quản lý và triển khai 03 Chương trình quốc gia, tính đến thời điểm hiện nay được thực hiện tương đối thuận lợi. Tuy nhiên việc triển khai 03 Chương trình quốc gia còn khá chậm, chưa đồng bộ, chưa được như kỳ vọng.
Một phần là do công tác truyền thông, giới thiệu các Chương trình KH&CN chưa được quan tâm một cách đúng mức, đặc biệt là tới đối tượng là các doanh nghiệp. Một lý do quan trọng khác là còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chương trình như: Chưa có nguồn vốn, ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số quy định quản lý tài chính đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa phù hợp, nội dung hỗ trợ tài chính cho các nhiệm vụ đào tạo nhân lực công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tiếp thu các báo cáo trên, các đơn vị đã cùng thống nhất phương hướng triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 là: Rà soát các nội dung chưa được triển khai và xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung; Tăng cường tìm kiếm nhiệm vụ, giới thiệu, hướng dẫn tham gia Chương trình; Tiếp tục đổi mới cơ chế xét duyệt, quản lý các nhiệm vụ KH&CN quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ đang triển khai và xét duyệt nhiệm vụ mới và cuối cùng là Phối hợp với các bộ ngành ra soát, xây dựng mới các cơ chế đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng Chương trình.