Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:19 GMT+7

Tin hoạt động

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

05/12/2016

Tiềm năng phát triển của các DNKN Việt Nam

Đầu năm 2014, khi mới sáng lập, DNKN Lozi vốn chỉ là nền tảng trực tuyến về tìm kiếm địa điểm đồ ăn uống tiện lợi, nhưng chỉ sau hai năm Lozi đã mở rộng ra các lĩnh vực khác như thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ điện tử, sách truyện… kết nối người mua, người bán và hiện trở thành cộng đồng phổ biến tại Việt Nam. Hiện Lozi có khoảng 400 nghìn người dùng và doanh thu khoảng 50 nghìn USD/tháng. Quan trọng hơn, DNKN này đã huy động vốn thành công một triệu USD từ các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Xin-ga-po trong năm qua. Một DNKN khác là VP9.VN, cung cấp các sản phẩm dựa trên công trình nghiên cứu về nén vi-đê-ô, giúp truyền hình ảnh độ nét cao trên đường truyền in-tơ-nét công cộng. Từ công nghệ này, VP9.VN đã chế tạo được nhiều thiết bị như cầu truyền hình, ca-mê-ra giám sát giá rẻ, ca-mê-ra thông minh chạy hệ điều hành Android và có khả năng nhận dạng mặt người và biển số. Nhờ đặc tính kỹ thuật vượt trội và giá thành thấp, năm 2016, doanh nghiệp này đã được Chính phủ các nước Phần Lan, Thái-lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lựa chọn tài trợ để xúc tiến thử nghiệm.

Lozi và VP9.VN là hai trong số rất nhiều DNKN của Việt Nam nhận được các khoản đầu tư lớn. Được xếp thứ ba trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư vào, Việt Nam là nơi thu hút không ít các khoản đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới và năm nay tiếp tục là một năm khởi sắc. Được coi là một trong những thương vụ huy động vốn thành công nhất của DNKN tính đến hiện tại, MoMo do Công ty cổ phần M_Service nhận được hơn 600 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. Beeketing (cung cấp giải pháp ma-két-tinh trực tuyến cho doanh nghiệp) đã được quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là 500 Startups đầu tư 150 nghìn USD và được định giá 2,5 triệu USD… Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), giai đoạn 2012-2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh khi hiện nay có khoảng 1.800 DNKN, 21 cơ sở ươm tạo và bảy tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Nhận thấy tiềm năng phát triển của các DNKN tại Việt Nam, ngày càng có nhiều các quỹ nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, 500 Startups công bố quyết định lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để hỗ trợ vốn cho 100 đến 150 DNKN Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100 nghìn đến 250 nghìn USD. Trong 5 năm tới, 500 Startups sẽ tăng vốn lên 100 triệu USD dành cho DNKN.

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo


Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công cần một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” là các kết quả nghiên cứu có điều kiện “nảy mầm”. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp các DNKN phát triển. Tuy nhiên hiện nay, DNKN Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện nhiều DNKN cho rằng, DNKN rất cần những hỗ trợ ban đầu về dịch vụ, tài chính (vốn) để biến ý tưởng thành mô hình, sản phẩm. Bên cạnh đó, DNKN gặp phải khó khăn từ chính thủ tục hành chính, trong việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, thủ tục còn phức tạp, chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, các quy định về đầu tư mạo hiểm vốn là thành phần cốt yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được rõ nét… Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ công nghệ cao (Khu CN cao Hòa Lạc) Phùng Công Định cho biết, hiện nay rất nhiều DNKN Việt Nam khởi nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại mong muốn đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu nhưng lại đang bị bỏ ngỏ như công nghệ sinh học, nông nghiệp, vật liệu… Vì vậy, cần phải có một kênh kết nối giữa cung và cầu, nhằm giúp các DNKN và các nhà đầu tư gặp gỡ, hiểu được mong muốn để có những dự án phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.

Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Sở KH và CN TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Nhà nước nên đóng vai trò kiến tạo, giúp DNKN tập trung làm những gì thị trường đang thiếu và yếu. Kinh nghiệm của Sở KH và CN thành phố Hồ Chí Minh là xây dựng khung tổng thể, đưa ra những bài toán cho cộng đồng DNKN làm, phát huy nguồn lực của cộng đồng. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh tập trung khởi nghiệp sáng tạo vào bốn lĩnh vực chính: chế biến thực phẩm, IOT (Internet of things), nhựa cao-su hóa dược, cơ khí chế tạo máy và tự động hóa. Nói về chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH và CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: hiện nay thành phố đã đẩy mạnh hệ thống hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính: thuế, đăng ký kinh doanh… Thành phố Hà Nội chưa thành lập quỹ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên để khuyến khích cá nhân khởi nghiệp, thành phố đã giao một số sở, ngành chuẩn bị thủ tục liên quan đến vay vốn thông qua các quỹ. Gần đây, thành phố đã phê duyệt đề án Vườn ươm doanh nghiệp, KHCN, thông tin đổi mới sáng tạo và đề án tổ chức đào tạo trang thiết bị, kỹ năng và cung cấp cơ sở vật chất thiết yếu cho khởi nghiệp, tiếp nhận tối thiểu 12 doanh nghiệp với chu kỳ ba năm. Thời gian tới thành phố sẽ ban hành và thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh, nhận thức rõ xu thế và tiềm năng phục vụ phát triển đất nước của những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương phát triển thị trường KH và CN, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tháng 5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tập trung hỗ trợ các DNKN như: xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với quốc tế; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Trên cơ sở đó, Bộ KH và CN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển thị trường KH và CN, hỗ trợ và đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Qua đó, bước đầu hình thành và phát triển cả về hình thức và nội dung hoạt động của thị trường KH và CN trong nước thông qua các hoạt động như: chợ công nghệ, thiết bị, kết nối cung - cầu công nghệ và Ngày hội khởi nghiệp công nghệ. Thời gian tới, Bộ KH và CN sẽ phối hợp các bộ, ngành, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đó không những với nhau, mà còn tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp quốc tế.