Nguyên nhân là do hơn 30% thiết bị, máy móc còn kém chất lượng, công tác quản lý lao động còn yếu, sức ép chất thải lỏng trong ngành còn rất lớn nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý thích đáng. Đó là áp lực buộc ngành da giày Việt Nam phải tích cực áp dụng các quy trình sản xuất sạch hơn để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Tòng- Phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso)- cho biết: Ngành da giày sẽ đi theo hướng phát triển bền vững với công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường. Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng bình quân 12%-15%, đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2015 và 11 tỷ USD vào năm 2020. Để làm được điều này, ngành da giày đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp lớn để phát triển nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, để đến năm 2015 sẽ nội địa hóa được 65%-75%; đầu tư mở rộng năng lực sản xuất với khoảng 250-300 doanh nghiệp mới chuyên sản xuất mũ giày và gò ráp, theo mô đun mỗi nhà máy có công suất 3-5 triệu mũ giày và khoảng 2.000 lao động. Đồng thời, nhằm đưa ngành da giày theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới, Lefaso đã đề ra chiến lược thực hiện quy trình sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và giảm thiểu được các chất thải. Kết quả bước đầu của một số doanh nghiệp trong ngành cho thấy hầu hết những doanh nghiệp khi tham gia đều giải quyết được “bài toán” về môi trường và nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từng là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường có nguy cơ bị đóng cửa, đến nay, nhờ việc áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Phú cơ bản giải quyết được những khó khăn này. Từ khi tham gia chương trình, công ty đã tiết kiệm 115 tấn da nguyên vật liệu đầu vào (tương đương 150 triệu đồng); giảm tiêu thụ 45.500 kw điện (tương đương 36 triệu đồng). Ngoài ra, ở giai đoạn II của chương trình công ty tập trung thực hiện các giải pháp đầu tư lớn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm. Cụ thể: công ty đã đầu tư hơn 900 triệu đồng lắp đặt mới hệ thống hút không khí, cải tạo mở rộng kho chứa chất thải rắn và kho hoá chất. Hiệu quả đem lại từ các giải pháp này là hàng năm, công ty tiết kiệm được 180 triệu đồng thông qua: Giảm chi phí ăn ca chiều tăng năng suất lao động, đảm bảo tiến độ giao hàng; giảm chi phí quản lý hành chính, giảm tiêu thụ điện và giảm chi phí vận chuyển chất thải rắn. Đặc biệt, sau khi tiến hành áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công ty đã giảm phát chất thải rắn 115 tấn/năm, giảm cơ bản lượng khí thải CO2 ra môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường lao động, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và đảm bảo môi trường trong lành cho khu sản xuất cũng như ở khu vực dân cư xung quanh. Lãnh đạo công ty cho biết, trong thời gian tới, công ty dự định mở rộng hệ thống này thành một hệ thống quản lý hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn ISO 14001. Công ty cũng đã thiết lập một chính sách môi trường trong đó cam kết sẽ nghiêm chỉnh chấp hành Luật bảo vệ môi trường.
Không riêng Công ty Vĩnh Phú, Công ty Chang Shin Việt Nam- một doanh nghiệp sớm ứng dụng sản xuất sạch hơn- để quản lý tốt chất thải, công ty đã xây dựng một kho gồm nhiều ngăn để lưu trữ riêng từng loại chất thải. Tất cả đều được đóng bao, dán nhãn và cân trọng lượng. Riêng các hóa chất cũng được tách riêng tại nguồn. Do được phân loại tại nguồn tốt nên hiện nay hơn 90% chất thải của công ty được tái chế và tái sử dụng; mỗi năm công ty tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền xử lý. Ngoài ra, công ty còn nhập máy xay cao su để tái chế các nguyên vật liệu thừa, tận dụng lại cho khâu sản xuất đế giày và lót đế, tiết kiệm được khoảng 700- 800 triệu đồng/năm.
Nếu như trước đây Changshin luôn bị các hộ dân xung quanh khiếu kiện về tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường, thì nay công ty đã đầu tư hẳn một hệ thống xử lý nước thải có hệ thống lọc và xử lý nước bên trong. Sau khi được xử lý, lượng nước này được đưa vào sử dụng vào việc nuôi cá, tưới cho cây xanh và dùng trong nhà vệ sinh. Công ty đã mạnh dạn dùng loại hóa chất không độc hại để thay thế cho keo dung môi trong sản xuất, mặc dù chi phí tăng thêm hơn 1 tỷ đồng/năm nhưng môi trường an toàn hơn. Changshin cũng là một trong số ít doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai dành gần 70% diện tích đất thuê để trồng cây xanh, thảm cỏ và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người lao động.
Đại diện Công ty TNHH DONA Quế Bằng cũng cho biết: hiện công ty sản xuất bình quân 2,5 triệu đôi giày /tháng, sản phẩm đã xuất đi nhiều nước đặc biệt là khu vực châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Từ thực tế kinh doanh và những tác động đến môi trường công ty đã đầu tư cho sản xuất sạch hơn bằng việc đầu tư công nghệ và đảm bảo những quy chuẩn về môi trường. Việc đầu tiên là công ty đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải 450 triệu đồng, hệ thống xử lý thải lò hơi 400 triệu đồng. Có thể nói sau khi thực hiện SXSH, môi trường lao động của công ty được cải thiện đáng kể; năng suất lao động nâng cao nhờ hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Với những thành tựu bước đầu của một số doanh nghiệp trong ngành, Lefaso cũng đang tích cực mở các lớp tập huấn, hội thảo cho đông đảo hội viên trên toàn quốc với hi vọng tất cả các doanh nghiệp sẽ dần thực hiện và đầu tư cho sản xuất sạch hơn nhằm đưa ngành da giày Việt Nam ngày một phát triển bền vững.